Đặt lợi ích của Nhân dân lên đầu

- Thứ Ba, 04/08/2020, 06:17 - Chia sẻ

Chiều qua, Hội đồng Bầu cử quốc gia mới tiến hành phiên họp đầu tiên nhưng công tác chuẩn bị cho việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì đã được triển khai từ trước đó và sớm hơn rất nhiều so với các cuộc bầu cử trước đây.

Từ việc Quốc hội thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45 về lãnh đạo cuộc bầu cử đến việc triển khai các công việc cụ thể của Hội đồng Bầu cử quốc gia đều được đẩy lên sớm hơn nửa năm so với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020. Điều này sẽ giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia sớm đi vào hoạt động, nhất là có đủ thời gian để hướng dẫn chi tiết các quy định rất mới có liên quan đến cuộc bầu cử đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung gần đây. Đơn cử như quy định về nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. Dù chỉ tăng 5% nhưng con số này cũng ẩn chứa biết bao tâm tư và kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội. Kỳ vọng là bởi chất lượng, sự toàn tâm, toàn ý trong hoạt động của đại biểu chuyên trách chắc chắn sẽ góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nhưng cũng tâm tư là bởi trước đó, dù luật đã quy định tối thiểu phải có 35% tổng số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhưng trên thực tế, chưa có nhiệm kỳ nào đạt được tỷ lệ này. Quyết định tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách trong bối cảnh đó, như chia sẻ của chính các đại biểu tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua, vừa tạo cơ sở pháp lý nhưng đồng thời cũng là gia tăng sức ép để buộc chúng ta phải chuẩn bị tốt hơn từ công tác quy hoạch, tạo nguồn nhân sự giới thiệu tham gia ứng cử và hoạt động chuyên trách tại Quốc hội. Vì thế, dù cơ sở pháp lý đã có nhưng để hiện thực hóa được tỷ lệ và những kỳ vọng được gửi gắm trong đó vẫn phải trông đợi ở việc hướng dẫn cụ thể về cơ cấu, số lượng, thành phần ứng cử, việc tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử. 

Tính từ thời điểm này, chúng ta vẫn còn gần 1 năm để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 23.5.2021) thay vì chỉ có chừng 4 - 5 tháng như trước đây. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, cùng với việc triển khai các hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia thì ở từng cơ quan, tổ chức và từng địa phương phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20.6.2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử, đặc biệt là yêu cầu về gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ làm đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.

Nhiều yêu cầu nghiêm ngặt khác về phẩm chất của người ứng cử được Bộ Chính trị nhấn mạnh trong Chỉ thị 45 cũng phải được cụ thể hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức cuộc bầu cử ở từng địa phương như: kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, từ thực tế công tác nhân sự cấp ủy tại một số địa phương vừa qua, công tác quy hoạch, giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp cũng phải tuyệt đối tránh tình trạng “đúng quy trình” nhưng không đủ sức thuyết phục “nhân tâm”, đủ cơ cấu nhưng không bảo đảm chất lượng.

Những công việc bộn bề để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vẫn còn ở phía trước. Mỗi nhiệm kỳ lại đặt lên vai những người đại diện của nhân dân ở cơ quan quyền lực nhà nước tối cao và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương những khó khăn, thử thách khác nhau. Nhưng yêu cầu với các đại biểu dân cử - dù là đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng Nhân dân, dù hoạt động chuyên trách hay chỉ kiêm nhiệm - cũng chỉ có một: biết đặt, dám đặt và phải đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên hàng đầu. Mọi công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân bây giờ cũng chính là để tìm ra được những đại biểu như vậy!   

Hải Lam