Ngày Dân số Thế giới năm 2019

Đặt con người vào vị trí trung tâm

- Thứ Năm, 11/07/2019, 08:22 - Chia sẻ
Sau 25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) NGUYỄN DOÃN TÚ khẳng định, nội dung của hội nghị đã giúp chúng ta hình dung được một cách toàn diện hơn về cách thức mà thế giới nhìn nhận về dân số, phát triển và quyền sinh sản với quan điểm cần đặt con người vào vị trí trung tâm, xây dựng một xã hội công bằng và không bỏ rơi bất kỳ ai lại phía sau.

- Chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay là “Việt Nam - 25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển”. Ông có thể cho biết những thành tựu, kết quả Việt Nam đã đạt được sau 25 năm Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển?

- Thời gian qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm 1,7% giai đoạn 1989 - 1999 đã giảm xuống dưới 1,2% giai đoạn 1999 - 2009 và khoảng 1% giai đoạn từ 2010 đến nay. Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 6,39 con năm 1960 xuống 2,33 con năm 1999, đạt mức sinh thay thế 2,09 con năm 2006, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) và tiếp tục được duy trì cho đến nay.

Dân số nước ta năm 2018 khoảng 95 triệu người. Ước tính quy mô dân số đã giảm được khoảng 20 triệu người nhờ có các chính sách DS - KHHGĐ phù hợp trong thời gian qua. Cơ cấu dân số thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 1989 đến nay, dân số dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39,2% xuống 24,0%; dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tăng từ 56,1% lên 68,4%; dân số trên 65 tuổi tăng từ 4,7% lên 7,6%. Cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ trên 27% năm 1993 lên 56% năm 2016; lao động nông nghiệp giảm từ trên 72% xuống còn 44,0%.

Nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt “đỉnh” vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Giai đoạn dân số vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, dự kiến sẽ kéo dài khoảng 30 năm đến 40 năm, tối đa là 45 năm.


Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Doãn Tú

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018. Số năm sống trung bình sau khi đạt 60 tuổi của người Việt Nam đã tương đương nhiều nước châu Âu.

Dân số đã có sự phân bố lại hợp lý hơn trên phạm vi cả nước. Mật độ dân số tăng ở nơi thưa dân như vùng Tây Nguyên (từ 52 người/km2 năm 1993 lên 106 người/km2 năm 2017), Đông Nam bộ (từ 370 người/km2 năm 1993 lên 711người/km2 năm 2017) và giảm ở nơi đông dân như vùng đồng bằng sông Hồng (từ 1.105 người/km2 năm 1993 xuống 1.004người/km2 năm 2017). Phân bố dân số gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối lao động - việc làm. Tỷ lệ dân số đô thị đã tăng từ 20% năm 1993 lên 35% năm 2017.

Công tác tuyên truyền, giáo dục dân số có bước đột phá. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng trong tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS  - KHHGĐ. Hàng chục nghìn câu lạc bộ, mô hình truyền thông về DS - KHHGĐ hoạt động hiệu quả ở mọi vùng miền.

- Bên cạnh những thành tựu, ông có thể chỉ ra những khó khăn thách, thức đối với công tác dân số sau 25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển?

- Những khó khăn, thách thức sau 25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển cũng đã được chỉ rõ trong Nghị quyết số 21NQTW đó là: Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác DS - KHHGĐ; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới. Các nội dung về dân số trong phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức ở địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số ở cấp cơ sở còn thấp. Trong tình hình mới, với nhiều đòi hỏi cao hơn để thực hiện các mục tiêu đề ra, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số lại đang bị tinh giản hoặc phải kiêm nhiệm các nhiệm vụ y tế sẽ làm cho việc triển khai công tác dân số ngày càng khó khăn hơn.

Điều cốt lõi là nguồn lực đầu tư cho dân số, kế hoạch hóa gia đình còn quá thấp, chưa tương xứng với yêu cầu. Từ nhiều năm nay, ngân sách từ Trung ương cấp cho công tác dân số ngày càng hạn hẹp, trong khi nguồn viện trợ từ các dự án nước ngoài hiện đã cắt giảm tối đa… Nhiều hoạt động bị đình trệ và không được triển khai. Tại địa phương, ngân sách sở tại cấp cho ngành dân số có sự chênh lệch giữa các tỉnh, các vùng. Thậm chí có tỉnh không hỗ trợ kinh phí cho công tác đặc biệt quan trọng này. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành dân số ở địa phương ngày càng thiếu thốn, xuống cấp…

- Để có một định hướng mang tính đổi mới, Liên Hợp quốc đã đặt ra mục tiêu “ba không” và mong muốn sẽ đạt được các mục tiêu này vào năm 2030. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này vàvề những định hướng công tác dân số trong thời gian tới?

- Tại Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD) được tổ chức năm 1994, 179 quốc gia đã thông qua chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển. Các quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng chúng ta cần đặt con người vào vị trí trung tâm.

Theo đó, các quốc gia cần đạt được mục tiêu “ba không”: Không còn nhu cầu chưa được đáp ứng về các biện pháp tránh thai; không còn tình trạng tử vong mẹ do những nguyên nhân có thể ngăn ngừa; không còn các hành vi bạo lực hoặc có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái. Cần khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả cơ cấu dân số vàng; cần xây dựng một xã hội công bằng và không bỏ rơi bất kỳ ai lại phía sau; chúng ta cần xây dựng một xã hội mà không tồn tại những sự kỳ thị và phân biệt đối xử; một xã hội luôn thúc đẩy, tôn trọng và bảo vệ công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Các nước mong muốn sẽ đạt được các mục tiêu này vào năm 2030 - đây cũng là năm cần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Trong thời gian tới, công tác dân số tại Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển và đặc biệt tập trung vào duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số một cách chủ động; phân bố dân số hợp lý; từng bước nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

- Xin cảm ơn ông!

Lan Chi thực hiện