Bàn về triết lý giáo dục Việt Nam

Đào tạo con người hành động

- Thứ Bảy, 10/11/2018, 09:18 - Chia sẻ
Tiếp tục cuộc trao đổi với nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo PHẠM MINH HẠC, ông cho rằng, triết lý giáo dục của chúng ta hiện nay chính là tư tưởng Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013, trong đó có đề cập đến “năng lực và phẩm chất”. Ông cũng nhấn mạnh, bên cạnh truyền đạt tri thức cho người học, còn phải tăng cường thực hành, thực nghiệm, nhằm đào tạo ra những con người hành động. Đây là điều mà thế giới cũng rất chú trọng.

>> Không có triết lý, không thể phát triển

- Theo ông, triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay là gì?

­- Triết lý giáo dục thay đổi theo thời cuộc. Bởi tương ứng mỗi giai đoạn phát triển cần có con người với những năng lực, phẩm chất cụ thể. Do vậy, theo tôi, trong tình hình mới, triết lý giáo dục Việt Nam vẫn cần hướng tới việc làm sao để tất cả người học đều có năng lực và phẩm chất tốt đẹp, phù hợp yêu cầu phát triển.

Triết lý giáo dục của chúng ta hiện nay chính là tư tưởng Nghị quyết số 29 - NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Trong đó, Nghị quyết đã đề ra triết lý giáo dục nói vắn tắt là “năng lực và phẩm chất”. Tức là, giáo dục không chỉ dạy kiến thức để học sinh có năng lực làm việc cho bản thân, gia đình, xã hội, góp phần đưa đất nước phát triển, mà còn tạo ra những phẩm chất tương ứng cho từng con người trong thời đại mới. Đó là: Chăm chỉ, yêu nước, ứng xử tốt với mọi người, có học vấn, có nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, trách nhiệm, lương tâm.


Cần đầu tư thỏa đáng cho phòng thí nghiệm trường học để thực hiện mục tiêu học đi đôi với hành
Nguồn: ITN

- Trên thực tế, triết lý này đã được cụ thể hóa ra sao, thưa ông?

 “Việc xây dựng triết lý giáo dục không phải điều gì xa lạ mà bắt nguồn từ cuộc sống, mang cuộc sống vào nhà trường. Bởi thực tế, chúng ta đã có biết bao tấm gương anh hùng hy sinh vì Tổ quốc. Bây giờ cũng có rất nhiều tấm gương thành đạt, làm rạng danh Tổ quốc. Đó là những hình mẫu để học sinh, sinh viên noi theo, góp phần vào việc hình thành năng lực và phẩm chất của từng người học. Khi một xã hội mà số lượng người có năng lực, phẩm chất tốt càng đông, xã hội đó càng lớn mạnh”.

GS. Phạm Minh Hạc

­- Triết lý này được Bộ Giáo dục và Đào tạo cụ thể hóa bằng việc xây dựng và chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến áp dụng với lớp 1 từ năm học 2019 - 2020. Theo đó, bên cạnh việc truyền đạt tri thức cho người học, các môn học còn phải tăng cường thực hành, thực nghiệm ở các phòng thí nghiệm, vườn trường và trong thực tiễn đời sống xã hội, tức là nhằm mục tiêu đào tạo ra những con người hành động. Đây là điều mà thế giới cũng rất chú trọng. Tôi đã có dịp đến nhiều trường, thấy rằng, việc đầu tư các phòng thí nghiệm đã được các trường học từ cấp phổ thông đến đại học, cao đẳng quan tâm đầu tư, nhưng tỷ lệ trường có phòng thí nghiệm, vườn trường phục vụ cho việc thực hành của người học vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, kể cả ở khu vực nội thành Hà Nội.

- Vậy thời gian tới, ngành giáo dục cần làm gì để hiện thực hóa triết lý giáo dục mà Nghị quyết 29 đặt ra, thưa ông?

- Theo tôi, chúng ta cần tập trung giáo dục cho thế hệ trẻ có tài năng để đóng góp vào công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước, không phải để chạy theo thành tích của những nước đã phát triển rất cao. Điều này đồng nghĩa, bên cạnh chương trình dạy học tốt, có bộ sách giáo khoa tốt, có đội ngũ thầy cô tốt, phải quan tâm đầu tư các phòng thí nghiệm, vườn trường để các em học đi đôi với hành. Để làm được điều này không thể chỉ riêng ngành giáo dục mà đòi hỏi toàn xã hội, các địa phương phải cùng đầu tư cho các trường học.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Thủy thực hiện