Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non:

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là giải pháp trọng tâm nhất

- Thứ Ba, 23/09/2014, 14:49 - Chia sẻ
Có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ, giáo viên mầm non đòi hỏi phải có những phẩm chất và năng lực phù hợp, đây cũng là yếu tố then chốt quyết định thành công cho chất lượng của giáo dục mầm non. Đó là ý kiến của đa số các đại biểu tại Hội nghị Lấy ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non tổ chức mới đây.

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Bởi đây là lứa tuổi có tốc độ phát triển sinh lý, thần kinh và thể chất diễn ra nhanh hơn tất cả các giai đoạn phát triển của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời. Theo đó, giáo dục mầm non sẽ chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng như sự tự lập, sự kiềm chế, khả năng diễn đạt rõ ràng, đồng thời hình thành hứng thú đối với việc đến trường tiểu học, tăng khả năng sẵn sàng để bước vào cấp học giáo dục phổ thông. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Kim Dung, việc được hưởng sự chăm sóc và phát triển tốt từ lứa tuổi trẻ thơ sẽ góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của trẻ. Phát triển giáo dục mầm non, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ là yếu tốt quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Trong đó, yếu tố then chốt và quan trọng quyết định thành công cho chất lượng của giáo dục mầm non là vai trò của đội ngũ giáo viên.


Nguồn: baobackan.org.vn
Theo Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, tính đến cuối năm học 2013 – 2014, toàn ngành có 410.681 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên mầm non, tăng 212.054 người so với năm học 2009 – 2010. Có thể thấy, giáo dục mầm non trong những năm qua đã phát triển nhanh với quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đội ngũ giáo viên mầm non ở nhiều địa phương thiếu về số lượng và hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp, chưa đáp ứng đủ yêu cầu phát triển của giáo dục mầm non. Chỉ tính theo số nhóm, lớp hiện nay và quy định về tỷ lệ giáo viên/lớp ở các nhóm, lớp mầm non, cả nước vẫn còn thiếu gần 8.000 giáo viên nhà trẻ và gần 19.000 giáo viên mẫu giáo. Có đến 1/3 số tỉnh, thành phố có tỷ lệ giáo viên/lớp mẫu giáo chỉ đạt 1 – 1,4. Cùng với đó, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên còn nhiều hạn chế, trong khi chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non còn thiếu đồng bộ, hướng dẫn chậm trễ. Giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tuy được hưởng chính sách đãi ngộ cao nhưng điều kiện làm việc lại quá yếu kém nên không đủ sức thu hút giáo viên mới cũng như duy trì giáo viên hiện có. Nhiều tỉnh thành tỷ lệ đạt phổ cập giáo dục mầm non rất thấp như Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bình Phước, Ninh Thuận và hầu hết các tỉnh ĐBSCL.

Chất lượng của giáo dục mầm non do đội ngũ giáo viên mầm non quyết định, họ là nhân tố trung tâm của quá trình thực hiện mục tiêu đào tạo. Vì vậy, tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý hệ thống trường mầm non là giải pháp trọng tâm nhất - GS.TS Nguyễn Đình Hương cho biết. Bởi đội ngũ giáo viên và hệ thống quản lý giáo dục mầm non là yếu tố quyết định chất lượng cùng với việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục mầm non. Giáo dục mầm non phải giúp trẻ phát triển trí tuệ ban đầu nên đòi hỏi giáo viên phải có trình độ, có phương pháp dạy học và tổ chức vui chơi cho trẻ phát triển toàn diện. Trong đó, hệ thống các trường sư phạm là cơ sở quan trọng để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. TS. Hồ Lam Hồng – Viện Nghiên cứu sư phạm, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, cần có cơ chế tự chủ đối với các trường sư phạm, trong đó được tự chủ về chương trình đào tạo. Có như vậy, chương trình đào tạo giáo viên mầm non luôn được đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh việc thực hiện cách chính sách ưu đãi để thu hút, cũng như đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non nâng cao trình độ, theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Trần Thị Tâm Đan cần quan tâm nghiên cứu giải quyết chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non theo hướng tạo nguồn thu từ ngân sách đầu tư của Nhà nước kết hợp với nguồn thu từ ngân sách xã hội hóa giáo dục mầm non. Giáo viên ở các cơ sở mầm non học 2 buồi thường phải kéo dài thời gian lao động hơn 8 tiếng/ngày. Chăm sóc trẻ nhỏ tuổi đòi hỏi sự tận tâm, chu đáo, người giáo viên phải có sự kiên trì và có trình độ chuyên môn phù hợp. Do vậy, muốn nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thì vấn đề đời sống của giáo viên và đổi mới phương pháp giáo dục, chăm sóc trẻ em là hai vấn đề phải tập trung giải quyết.

Công việc của giáo viên mầm non không đơn thuần chỉ là dạy mà còn phải nuôi. Vì vậy, để có được đội ngũ giáo viên mầm non tương xứng với yêu cầu của nghề dạy trẻ, bên cạnh việc cần những người yêu trẻ, yêu nghề, tận tâm với nghề, thì cần được đào tạo nghiêm chỉnh bảo đảm chất lượng. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên mầm non học tập, nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu trong quá trình phát triển. 

Lê Hoa