Đánh thức làng cổ Lộc Yên

- Thứ Tư, 08/12/2010, 00:00 - Chia sẻ
Nắng trưa bỏng rát. Qua nhiều khúc rẽ quanh co, làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam hiện ra sau những rặng keo xanh ngút mắt như một cơn gió mát làm xua tan mệt mỏi của khách phương xa. Dù đường đến làng khá xa, khó tìm nhưng nhiều du khách nước ngoài đã tìm đến đây tham quan những ngôi nhà cổ mang đầy giá trị lịch sử.

Làng cổ bình yên

Leo lên những con dốc nhỏ, rồi tới những bậc đá trên ngõ đá mát rượi, xanh mát tầng cây cau, dừa, bạc lá... là thử thách đầy thi vị cho chúng tôi khi điểm đến là ngôi nhà cổ 160 tuổi, lâu đời nhất, độc đáo nhất của làng. Bờ thành đá cao chừng hơn 1m được xếp bằng những phiến đá nhỏ đã lên màu thời gian. Đếm được hơn 70 bậc, chân đã bắt đầu chùn thì ngôi nhà cổ hiện ra. Tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Đình Hoan, chủ nhân đời thứ 5 của ngôi nhà. Ông kể: ngôi nhà được xây vào khoảng năm 1850, làm theo lối nhà rường Quảng Nam, 3 gian, 2 chái, 4 tránh, 4 đôi kèo, 6 xuyên, 36 cột làm hoàn toàn bằng gỗ mít với tổng diện tích hơn 80m2. Cửa bàn khoa nằm chính giữa 3 gian chính. Xương cửa, đường bọc cửa, song cửa làm từ gỗ lim chắc chắn kết hợp cánh cửa dùng gỗ mít. Bộ tủ thờ, phản gỗ gụ, cặp trường kỷ, hoành phi, tấm vách đầu hồi... chạm trổ hoa văn tinh xảo, cầu kỳ bởi bàn tay tài hoa của những người thợ mộc Vân Hà (Tam Kỳ, Quảng Nam)... ghi dấu gia chủ một thời hào phú.

Chủ nhân ngôi nhà là cụ Nguyễn Huỳnh Anh, sinh thời đã 2 lần khước từ tổng thống chế độ cũ Ngô Đình Diệm khi cho người tới hỏi mua năm 1939 và 1960. Trải qua năm tháng chiến tranh ác liệt, khó khăn của thời thời bao cấp đến thời kinh tế thị trường, ngôi nhà vẫn được giữ nguyên vẹn như cách đây 160 năm. Ông Nguyễn Đình Hoan tâm sự: “Việc giữ gìn ngôi nhà không hề dễ dàng. Mặc dù được làm từ những loại gỗ đã qua bảo quản nhưng vì xây dựng đã lâu cộng với thời tiết khắc nghiệt làm cho căn nhà xuống cấp. UBND huyện Tiên Phước cũng đôi lần ngỏ ý muốn cùng gia đình tu tạo ngôi nhà nhưng gia đình chưa quyết định. Vì phải cất công chọn gỗ rồi tìm thợ, bởi bây giờ làng mộc Vân Hà không còn nhiều thợ chạm giỏi, nếu lựa không kỹ sẽ làm sai lệch kết cấu cũng như những ý tưởng của người xưa”.

Trong làng Lộc Yên hiện chỉ còn 6 - 7 ngôi nhà cổ, tất cả đều được thiết kế theo quy tắc phong thủy chặt chẽ: nằm lưng chừng đồi, phía trước Hòn Ngang làm bình phong, dựa lưng Gò Tròn làm hậu chẩm, băng qua cánh đồng Vũng Trâu Lội. Những ngôi nhà cổ trong làng đều được xây dựng cùng một mô hình nhưng khác nhau ở số lượng đòn tay sử dụng. Phân biệt một ngôi nhà thuộc khá giả hay bình dân chính ở chi tiết đòn tay và kèo nhà. Với nhà bình dân, đòn tay không có chi tiết chạm trổ, nhỏ và thấp hơn. Tuy số lượng cột như nhau nhưng cột thường nhỏ hơn. Nhà hào phú, phần kèo nhà chạy dọc độc chạm trổ họa tiết cầu kỳ. 

Luồn lách qua những hàng cây leo mọc chằng chịt, chúng tôi lên thôn 6, tìm đến ngôi nhà ông Phan Đình Thăng. Căn nhà cổ này đang xuống cấp nghiêm trọng. Quần xắn móng lợn, ông Thăng từ ruộng chạy về đon đả mời khách vào nhà. Ông nói nửa như phân trần, nửa như than thở: “Ngôi nhà hỏng hóc nhiều chỗ mà tôi không có tiền để sửa. Cửa nẻo bị mối mọt, cột kèo có mấy chỗ nứt rồi, bộ tràng kỷ bong tróc hết cả. Có người đã ngã giá mua nhà nhưng ông cụ của tôi không đồng ý cho bán mà chúng tôi thì không có khả năng tu sửa. Giá như chính quyền quan tâm, giúp đỡ chúng tôi kinh phí sửa chữa”. Nếu tình trạng không được cải thiện thì không khó để hình dung những vật dụng cổ trong nhà sẽ rơi vào tay một nhà sưu tập. Và như vậy, làng Lộc Yên sẽ lại mất đi một ngôi nhà cổ.

Đánh thức làng cổ

Đường vào làng dù nhà cổ hay tân thời, người ta cũng như lạc vào không gian xanh mát lạnh chỉ vương vất vài sợi nắng nhỏ đan chéo xuống những con ngõ đá ngoằn ngèo, trải dài. Đây quả là một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn với du khách muốn tìm hiểu đất và người xứ Quảng. Điều cuốn hút không chỉ bởi kỹ thuật làm nhà của người xưa mà quan trọng chính là nếp nhà, gia phong được gìn giữ như báu vật qua các thế hệ.

Tuy nhiên, đến nay chưa có tour du lịch nào được xây dựng cho tuyến điểm làng cổ Lộc Yên. Không bảng chỉ đường, không hướng dẫn, không thông tin đăng tải trên sách hướng dẫn, giới thiệu du lịch địa phương. Du khách luôn được đặt trong tình thế “tay không bắt giặc” khi muốn tìm hiểu làng cổ.

Làng cổ Lộc Yên vẫn muốn giữ riêng cho mình sự tĩnh lặng từ thủa trước? Hay ngành công nghiệp không khói chưa chạm đến mảnh đất này? Đã đến lúc tiềm năng du lịch cũng như các giá trị văn hóa của làng cổ Lộc Yên cần được đánh thức bởi những người tâm huyết, yêu quý và trân trọng những giá trị văn hoá, lịch sử đặc biệt  của xứ Quảng.

Những trái bòn bon còn xanh chen chân trên thân cây góc vườn như mời gọi khách phương xa quay lại với mùa quả chín thơm nồng. Còn gì thú vị hơn khi ngồi trong những ngôi nhà hơn 100 tuổi, hít thở không khí trong lành và thưởng thức hương vị đặc sản dân giã Tiên Phước đậm đà khó quên.

Nguyễn An