Đánh giá thực trạng hoà giải ở cơ sở

- Thứ Sáu, 23/08/2019, 11:03 - Chia sẻ
Là chủ đề của hội thảo Góp ý Bộ công cụ khảo sát, đánh giá thực trạng giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải ở cơ sở” do Bộ Tư pháp, Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Liên minh châu Âu tổ chức vào ngày 22.8, tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE).

Kể từ khi Luật Hoà giải cơ sở được ban hành năm 2013, tính đến nay cả nước có hơn 100.000 tổ hoà giải được thành lập, với hơn 650.000 hoà giải viên. Trong đó, số hoà giải viên là nữ giới chiếm hơn 28%, số hoà giải viên là người dân tộc thiểu số cũng chiếm khoảng một phần tư tổng số hoà giải viên cả nước. Gần 800.000 vụ, việc tranh chấp đã được giải quyết bằng hòa giải ở cơ sở kể từ năm 2014 đến năm 2018. Tuy nhiên, thực trạng hoà giải ở cơ sở tại Việt Nam còn đặt ra nhiều thách thức như nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở để bảo đảm hơn nữa chất lượng của công tác hòa giải ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giải quyết các tranh chấp dân sự ngày một phức tạp; đẩy mạnh áp dụng hòa giải ở cơ sở trong xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên và hòa giải giữa người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng với người bị hại trong một số trường hợp theo quy định của Bộ luật Hình sự nhằm thực hiện chủ trương chuyển hướng xử lý hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp về hòa giải ở cơ sở.

Từ thực tế này, việc xây dựng Bộ công cụ khảo sát, đánh giá thực chất giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở được đa số các đại biểu tham gia hội thảo đồng tình. Tuy nhiên, với tư cách là một bộ khảo sát thực trạng thì các câu hỏi khảo sát phải thực sự dễ hiểu, ngắn gọn phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân. Có như vậy, mới có được khảo sát chính xác, từ đó đưa ra được các giải pháp đúng, trúng các vấn đề vướng mắc của hòa giải cơ sở.

Phát biểu tại hội thảo Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Sitara Syed hi vọng, bộ công cụ khảo sát hữu hiệu nhằm đánh giá thực trạng công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay. Các cơ chế chính thức có thể kém hiệu quả hơn trong việc giải quyết mâu thuẫn dân sự vì bị quá tải, tốn kém hoặc ở quá xa. Do đó, hòa giải ở cơ sở có thể trở thành một biện pháp thay thế vì hình thức này gần gũi hơn với người dân. So với các cơ chế giải quyết tranh chấp chính thức, hòa giải ở cơ sở giúp tiết kiệm chi phí, dễ tiếp cận và bảo mật tốt hơn... Trong một số trường hợp, hòa giải ở cơ sở đã được chứng minh là một biện pháp tối ưu hơn để người dân tiếp cận công lý.

Tin và ảnh : Đình Khoa