Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Đánh giá tác động toàn diện, thấu đáo

- Thứ Bảy, 04/07/2020, 06:26 - Chia sẻ
Ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước có nên được coi là biện pháp cưỡng chế trong xử lý vi phạm hành chính? Về phía Nhà nước, biện pháp này có hiệu quả cao, nhằm ngăn chặn tối đa việc tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, giải pháp này còn thiếu tính nhân văn, khi điện, nước là nhu cầu thiết yếu của con người. Chúng ta không thể vì hành vi vi phạm của một cá nhân mà áp dụng biện pháp gây ảnh hưởng tới đời sống và sinh hoạt của những cá nhân khác. Do đó, đề xuất này cần được xem xét thận trọng, thấu đáo, đánh giá tác động trước khi quyết định.

 Tăng thêm công cụ hay giải pháp còn thiếu tính nhân văn?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính mới là “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”. 

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An)

Theo lý lẽ của cơ quan trình dự án Luật, việc thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thời gian vừa qua còn gặp nhiều khó khăn, chưa triệt để, còn một số lượng không nhỏ quyết định chưa được chấp hành. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho hiệu quả của việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được thi hành, không thể tổ chức cưỡng chế hoặc cưỡng chế không hiệu quả, mục đích của cưỡng chế không đạt được, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa bảo đảm tính khả thi.

Việc bổ sung biện pháp nêu trên, theo cơ quan trình, sẽ góp phần tăng thêm công cụ mang tính mệnh lệnh, phục tùng, có hiệu quả cao trong xử lý vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn tối đa việc tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, thiết lập trật tự quản lý nhà nước đã bị xâm hại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của các nhà lập pháp, đề xuất nêu trên bộc lộ rất nhiều vấn đề. Nhìn nhận đây là một biện pháp thiếu tính nhân văn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng cho rằng, đề xuất của cơ quan soạn thảo thể hiện sự bất lực của chính quyền, lực lượng chức năng khi xử phạt hành chính và phải hết sức cân nhắc. Đó là chưa kể, biện pháp này cũng rất dễ bị lạm dụng trong thực tế. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chỉ rõ, cắt điện, cắt nước là biện pháp rất dễ thực hiện, người có thẩm quyền chỉ ra lệnh cho cơ quan điện, nước cắt là người ta làm ngay trong khi hậu quả để lại vô cùng lớn. "Điện, nước là nhu cầu thiết yếu của người dân, mất điện, mất nước một ngày là không chịu nổi”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu lưu ý và đề nghị cần xem xét lại biện pháp này.

          Can thiệp quá sâu vào giao dịch dân sự

          Cung cấp dịch vụ điện, nước là việc giao kết và thực hiện hợp đồng giữa bên cung cấp dịch vụ điện, nước với khách hàng theo quy định của Bộ luật Dân sự. Từ góc độ này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) thẳng thắn, pháp luật dân sự tôn trọng và đề cao nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận của các bên, quyền và nghĩa vụ của các bên được xác lập thực hiện và chấm dứt dựa trên các thỏa thuận của hợp đồng. Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, Nhà nước đã can thiệp quá sâu vào một giao dịch dân sự hợp pháp làm phát sinh việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng bởi một hành vi vi phạm khác không liên quan tới nội dung của hợp đồng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu tại hội trường

Hơn nữa, việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước trong trường hợp áp dụng đối với cá nhân, liệu rằng chỉ tác động tới một cá nhân có hành vi vi phạm hay có thể gây ảnh hưởng tới những người cùng chung sống với cá nhân đó ở cùng địa chỉ? Trong hệ thống pháp luật nước ta, Bộ luật Hình sự đã quy định: Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Tại Điều 3, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành cũng quy định chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính. Có thể thấy, “nguyên tắc hành vi vi phạm đến đâu chịu trách nhiệm đến đó” xuyên suốt trong hệ thống pháp luật. Không thể vì hành vi vi phạm của một cá nhân mà áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có thể gây ảnh hưởng tới đời sống và sinh hoạt của những cá nhân khác, nhất là khi nhu cầu sử dụng điện, nước là một trong những nhu cầu cơ bản trong đời sống sinh hoạt của mỗi công dân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Xét về hiệu quả kinh tế, nhiều đại biểu chỉ ra biện pháp cưỡng chế này còn gây ảnh hưởng tới bên thứ ba, đó là đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước. Nếu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước được áp dụng thường xuyên, phổ biến có thể dẫn tới sự sụt giảm doanh thu của đơn vị kinh doanh, gây ra những tổn thất về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, khi tiến hành cưỡng chế thì cơ quan có thẩm quyền hay đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước trực tiếp tới thực hiện công tác kỹ thuật ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước? Nếu đơn vị cung cấp dịch vụ tiến hành thì cũng cần cân nhắc đến nhân công, kỹ thuật, chi phí chi trả. Vì vậy, theo các đại biểu Quốc hội, cần thiết lấy ý kiến của nhóm đối tượng tác động này để xem xét một cách toàn diện và sâu sắc hơn.

Thừa nhận đây là một vấn đề khó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ chọn và coi đây là biện pháp cưỡng chế vì Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành chưa có quy định về biện pháp cưỡng chế trong trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành quyết định có áp dụng các hình thức như đình chỉ hoạt động, tước giấy phép hoạt động. Tại Điều 86, Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định chung chung và trong một số trường hợp đặc biệt như lĩnh vực xây dựng, môi trường thì không cưỡng chế được. Ví dụ, tước giấy phép hoạt động một cơ sở sản xuất, chủ yếu là các doanh nghiệp đáng lẽ phải dừng lại nhưng vẫn tiếp tục hoạt động để xả thải ra môi trường. Hoặc một cơ sở khai thác đá gây ô nhiễm, tước giấy phép hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. “Thực sự là trên thực tế không có một biện pháp cưỡng chế nào khác, cho nên, Chính phủ đề xuất Quốc hội biện pháp này và xác định phạm vi áp dụng, đối tượng áp dụng rất hạn chế, trong trường hợp không xử lý”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Với nhiều ý kiến khác nhau như vậy đòi hỏi phải đánh giá toàn diện, thấu đáo tác động của biện pháp này trước khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm nay. 

Anh Thảo