Đánh giá đúng thực trạng nhu cầu pháp luật

- Thứ Sáu, 23/08/2019, 22:17 - Chia sẻ
Ngày 23.8, tại Hà Nội, Liên minh Châu Âu, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo “Dự thảo bộ công cụ khảo sát, đánh giá thực trạng nhận thức, nhu cầu pháp luật của các nhóm yếu thế và nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật”.

Phát biểu tại hội thảo, Trợ lý Giám đốc quốc gia của của UNDP tại Việt Nam Catherine Phương khẳng định, hoạt động này sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy trao quyền pháp lý và tiếp cận hệ thống tư pháp hiệu quả hơn với tất cả mọi người. Thời  gian qua, Việt Nam đã rất chủ động và tích cực trong việc xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp, hoàn thiện và tổ chức và thi thành pháp luật nhằm chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và nhóm yếu thế tham gia vào đời sống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa tại Việt Nam. Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính… và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã tạo khuôn khổ pháp luật trong nước, thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung và quyền, lợi ích của người nghèo, nhóm yếu thế trong xã hội nói riêng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn những thách thức về bất bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống tư pháp, nhu cầu pháp lý chưa được đáp ứng. Đặc biệt, đối với phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ có khuyết tật là người dân tộc thiểu số và trẻ em thường là những nhóm dễ bị tổn thương nhất. Vì vậy, việc có một bộ công cụ để đánh giá đúng nhu cầu pháp lý của các nhóm yếu thế là hoàn toàn cần thiết. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã góp ý, bổ sung và hoàn thiện hai bộ công cụ khảo sát: đánh giá thực trạng nhận thức pháp luật của các nhóm đối tượng yếu thế, tập trung vào phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người nghèo và người dân tộc thiểu số…; nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Được biết, trong tháng 9.2019, Bộ công cụ sẽ được sử dụng tại 6 tỉnh Hà Giang, Hoà Bình, Thanh Hoá, Đắk Nông, Kiên Giang, và Đồng Tháp để tiến hành nghiên cứu về thực trạng nhận thức, nhu cầu pháp luật của nhóm yếu thế và đánh giá được nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Dữ liệu từ hai báo cáo nghiên cứu này sẽ làm căn cứ để Bộ Tư Pháp và các cơ quan chức năng xây dựng chiến lược nâng cao năng lực cho các cơ quan và cán bộ tư pháp trong việc cung cấp thông tin pháp luật, dịch vụ pháp lý hỗ trợ nhóm yếu thế tiếp cận hệ thống tư pháp hiệu quả hơn.

Tin và ảnh: Phạm Hải