Thu hồi tài sản tham nhũng

Đánh giá đúng thực trạng để xử lý hiệu quả hơn

- Thứ Sáu, 13/09/2019, 07:58 - Chia sẻ
Trong giai đoạn điều tra vừa qua, các cơ quan đã thu hồi được 615,06 tỷ đồng và 11.867m2 đất, kê biên 795 tỷ đồng. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tích cực yêu cầu và áp dụng nhiều biện pháp tố tụng tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 10.000 tỷ đồng. Đây được xem là một điểm sáng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2019. Dù vậy, tại Phiên họp hôm qua, 12.9, các Ủy viên UBTVQH đánh giá, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp, các cơ quan chức năng cần đánh giá đúng thực trạng để xử lý vấn đề này hiệu quả hơn.

Làm rõ đến đâu, xử lý đến đó

Cùng với công tác phòng ngừa, thì công tác phát hiện và xử lý tham nhũng trong năm qua đã đạt được những kết quả tích cực. Qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 22 đối tượng, tăng 4,7% số đối tượng so với năm 2018. Qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 48 vụ, 37 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (giảm 28,3% số vụ). Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 30 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (giảm 61,7% số vụ). Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã khởi tố mới 214 vụ, 487 bị can (giảm 18 vụ, tăng 56 bị can so với cùng kỳ năm 2018), gây thiệt hại trên 1.028 tỷ đồng và 22.069m2 đất.


Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí giải trình tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

 Qua các vụ việc sai phạm, vụ án kinh tế, tham nhũng lớn xảy ra trong thời gian qua (vụ Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG; vụ việc liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm; sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Tổng Công ty Gang thép Thái Nguyên; sai phạm trong chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn Đà Nẵng; vụ việc liên quan đến việc thực hiện các dự án BT tại tỉnh Khánh Hòa...), đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, phòng chống tham nhũng để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa trong thời gian tới và báo cáo QH tại Kỳ họp tháng 10.2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Nhận định về tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó, được cử tri đánh giá cao.

Các ý kiến đánh giá, nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng do cơ quan điều tra không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt để xử lý nghiêm minh, điển hình như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, với hình phạt nghiêm khắc. Có 94 bị cáo (chiếm 18,8% tổng số bị cáo đã xét xử) phạm tội tham nhũng bị tuyên phạt án tù chung thân và tù có thời hạn từ 7 năm trở lên.

Một số vụ án do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được xét xử kịp thời như: vụ Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm phạm tội đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vụ Phan Văn Anh Vũ phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vụ Trần Phương Bình và đồng phạm phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Việc xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án trọng điểm, gây thiệt hại lớn được dư luận quan tâm đã tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

“Nóng ruột” nhưng phải đúng pháp luật

Qua giải quyết các vụ án tham nhũng, án kinh tế thời gian qua cho thấy, các cơ quan tư pháp đã tích cực thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng về cho Nhà nước. Trong giai đoạn điều tra, các cơ quan đã thu hồi được 615,06 tỷ đồng và 11.867m2 đất, kê biên 795 tỷ đồng. Trong đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tích cực yêu cầu và áp dụng nhiều biện pháp tố tụng tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 10.000 tỷ đồng. Việc áp dụng các biện pháp xử lý đồng bộ, nghiêm minh đối với tội phạm tham nhũng trong thời gian qua đã có tác dụng răn đe, thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng, tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ghi nhận những kết quả đạt được trong xử lý tham nhũng thời gian qua, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhận định, việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp. Đáng lưu ý, số trường hợp phát hiện yếu tố tham nhũng, vụ lợi trong các vụ án kinh tế còn ít, chưa phản ánh đúng bản chất, động cơ, mục đích của người phạm tội. Đây là những vấn đề cần được Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp khắc phục, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.

Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhận định, trong xử lý các vụ án tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản còn thấp. Đưa ra vụ án AVG mà cử tri đang rất quan tâm, trong khi đối tượng nhận hàng triệu đô la nhưng mới nộp lại có 500 triệu đồng, không biết bao giờ mới thu hồi được số tài sản còn lại? Đặt câu hỏi này, ông Vũ Hồng Thanh cũng đề cập đến tình trạng chậm kê biên, phong tỏa tài sản của những người phạm tội để tránh các đối tượng tẩu tán tài sản. Thực trạng này đã được nói nhiều trong thời gian qua, nhưng theo ông Vũ Hồng Thanh, việc xử lý vẫn chưa tốt, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Giải trình rõ hơn về vấn đề này, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, trước đây chúng ta đã xử lý các tội phạm về kinh tế, chức vụ nhưng yếu tố tham nhũng rất ít, vì yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt không dễ chứng minh. Tuy nhiên, gần đây, chúng ta đã làm được việc này. Dù vậy, ông Trí thừa nhận, việc này hết sức khó khăn.

Đề cập đến việc nhận hối lộ nhiều triệu USD nhưng mới lấy được vài trăm triệu (như vụ AVG - PV), ông Trí cho rằng, đây là một cuộc đấu tranh, bởi, đối tượng nhận hối lộ nhưng người khác lại giữ, không chịu nộp lại. Nhấn mạnh, mục tiêu phòng, chống tội phạm nhưng phải bảo vệ quyền con người, ông Trí cho rằng, kê biên tài sản phải chặt chẽ bởi việc đưa tiền có giấy tờ gì đâu? Biết người đó giữ nhưng muốn lấy lại khoản tiền, tài sản cũng phải theo quy định của pháp luật. “Nóng ruột” thế thôi, nhưng phải chặt chẽ, vì bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phải bảo đảm cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Điều này không đơn giản chút nào, ông Trí nói.

Hà An