Đảng ủy, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đối thoại với cán bộ, công chức, người lao động

- Thứ Sáu, 03/07/2020, 15:41 - Chia sẻ
Sáng 3.7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì hội nghị đối thoại giữa Đảng ủy, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội với cán bộ, đoàn viên, công chức, người lao động cơ quan Văn phòng Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại Phiên đối thoại  

Chuẩn bị cho Hội nghị này, Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đã tiếp nhận, tổng hợp khoảng 60 ý kiến của cán bộ, đoàn viên, công chức, người lao động. Các nội dung tập trung về việc sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh; các chế độ, chính sách, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, người lao động; phát triển hệ thống quản trị bằng ISO tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội…

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị, phát biểu tại hội nghị đối thoại, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội thông qua, tới đây, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh sẽ là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Luật cũng giao cho chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội, tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc giao chính quyền địa phương quản lý và bảo đảm kinh phí cho Văn phòng này là nhằm tránh trường hợp một Văn phòng nhưng lại có hai cơ chế tài chính, có thể gây ra những vướng mắc, bất cập. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội sẽ vẫn do Văn phòng Quốc hội bảo đảm. 

Có ý kiến đề nghị lãnh đạo Văn phòng Quốc hội tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hiệu lực sớm hơn hoặc ít nhất đúng ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực để tạo điều kiện cho địa phương sắp xếp bộ máy, kinh phí, bảo đảm cho Văn phòng ổn định từ tháng 1.2021. Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, vấn đề này có liên quan đến việc phân bổ ngân sách nên tốt nhất là Nghị quyết ban hành có hiệu lực từ 1.1.2021, nếu để sang tháng 7.2021 thì kinh phí phân bổ rồi cũng sẽ rất khó.

Toàn cảnh Hội nghị đối thoại  

Tại hội nghị đối thoại, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh cũng đã trả lời các câu hỏi liên quan đến hoạt động công đoàn như xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chế thi đua, khen thưởng công đoàn theo hướng gắn với lợi ích của đoàn viên, công đoàn như nâng lương trước thời hạn; thực hiện thu, quản lý và sử dụng kinh phí công đoàn hướng tới công đoàn cơ sở nhiều hơn, để công đoàn cơ sở chủ động trong hoạt động của mình...

Kết thúc Hội nghị đối thoại, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, Đảng ủy, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội luôn lắng nghe và giải quyết kịp thời, hiệu quả các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức,  người lao động trong cơ quan. Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mong muốn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Văn phòng Quốc hội tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, giúp việc và phục vụ Quốc hội.

Hoàng Ngọc