Góc nhìn

Đằng sau “lộc” lũ

- Thứ Năm, 15/08/2019, 07:00 - Chia sẻ
Sau trận lũ lịch sử hồi đầu tháng 8, bản Sa Ná, Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngổn ngang gỗ. Có những cây, những đoạn, những phách vài người ôm không xuể. Nhiều người ví von như cả một cánh rừng vừa mới được đốn hạ. Với không ít người, đây là “lộc” sau lũ. Thế nhưng đằng sau cái gọi là “lộc” đó cho thấy nhiều điều đáng phải suy ngẫm, phải hành động trước khi quá muộn.

Thiên tai là bất khả kháng. Để hạn chế thiệt hại do thiên tai cần sự chủ động của con người, trong đó, ứng xử với tự nhiên đóng vai trò rất quan trọng. Đáng tiếc, con người đang ứng xử quá “thô bạo” với thiên nhiên. Phá rừng là ví dụ điển hình. Lâu nay, mỗi khi xảy ra bão, lũ gây thiệt hại lớn, hoặc có gì đó bất thường, lý do “chính đáng” nhất thường được đưa ra đó là do biến đổi khí hậu. Thế nhưng thực tế có hoàn toàn chỉ do biến đổi khí hậu?

Trở lại những tháng cuối năm 2017, chỉ trong một đợt mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã có hàng trăm người chết và mất tích. Về thiệt hại, tỉnh Thanh Hóa khoảng 2.700 tỷ đồng; Yên Bái thiệt hại 120 tỷ đồng, Hòa Bình thiệt hại khoảng trên 800 tỷ đồng… Nguyên nhân: Do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Nhưng sâu xa hơn như Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đã thừa nhận, phá rừng là câu chuyện lớn và rất nhức nhối. Chúng ta đã phải trả giá cho những việc đó và còn phải tiếp tục.

Còn theo Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Tuệ thì biến đổi khí hậu là tác nhân gây ra lũ lụt, sạt lở. Song cũng cần phải nhấn mạnh rằng con người đang “tiếp sức” cho việc tàn phá này. Rừng đầu nguồn bị chặt phá, rừng nguyên sinh bị thay thế bởi cây công nghiệp ngắn ngày, trong khi đó công tác thâm canh thiếu khoa học và mất cân đối, lấy ngắn để ăn vậy làm sao giữ được đất, màu.

Biến đổi khí hậu chỉ là một trong những nguyên nhân. Và những gì đã và đang hiện hữu ở bản Sa Ná, Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa càng cho thấy “lát cắt” rõ nét hơn về việc ứng xử với thiên nhiên. Những khúc gỗ, phách gỗ vuông vức không thể là sản phẩm của tự nhiên mà chắc chắn đó là “tác phẩm” của “lâm tặc”. Rừng mất, đồng nghĩa với cường độ lũ về nhanh, mạnh hơn, khó lường hơn và khủng khiếp hơn. Bởi vậy, đã đến lúc cần phải mạnh dạn nhìn thẳng vào thực trạng phá rừng hiện nay như thế nào để có biện pháp phù hợp chứ không thể chỉ “nhìn” trên giấy tờ, trong báo cáo của các địa phương.

Khi thực trạng phá rừng bằng cách này hay cách khác còn diễn ra nhưng chưa hoặc không được nhìn nhận một cách thẳng thắn thì những sự việc đau lòng, những câu biện minh kiểu bất ngờ, bất khả kháng, diễn biến khó lường… sẽ vẫn còn tiếp diễn. Đằng sau “lộc lũ” là ngổn ngang những việc phải làm.

Linh Trang