Đan xen ký ức và tưởng tượng

- Thứ Năm, 13/08/2020, 18:25 - Chia sẻ
Từ ngày 14.8 - 3.10, tại Galerie Quynh, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, sẽ giới thiệu các tác phẩm của nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Châu mang tên “Trông thật khác, nhìn thực giống”. Triển lãm đánh dấu chặng đường 5 năm nghệ sĩ suy tư, nghiên cứu về sự sao chép - lặp lại biểu tượng, hình ảnh và cách chúng ảnh hưởng tới ký ức con người.

Ngô Đình Bảo Châu sinh năm 1986, là nghệ sĩ thị giác, sinh ra tại Đồng Tháp, đang sống và làm việc giữa Huế và TP Hồ Chí Minh. Từ lúc bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật, cô đã làm việc với nhiều chất liệu từ chiếu, thép, bê tông, tới trúc chỉ - vật liệu giấy được làm từ bột nhuyễn của tre, bắp, hoặc bèo. Thực hành của Ngô Đình Bảo Châu xoay quanh các nghiên cứu về cuộc sống đương đại Việt Nam, cô tái định vị nhiều vật phẩm và hình ảnh với mục đích khai thác tính đối ngẫu và những căng thẳng trong xã hội.

Sĩ số 40 #10, 2020, in khắc gỗ, in độc bản, in đóng dấu, in khuôn, sơn acrylic, kim tuyến, lá vàng trên giấy bìa
Sĩ số 40 #10, 2020, in khắc gỗ, in độc bản, in đóng dấu, in khuôn, sơn acrylic, kim tuyến, lá vàng trên giấy bìa

Trong bộ tác phẩm mới nhất “Trông thật khác, nhìn thực giống”, Ngô Đình Bảo Châu tìm hiểu cách không gian công cộng len lỏi vào chốn riêng tư trong mỗi con người. Nghệ sĩ sử dụng biểu tượng như một phần của ký ức tập thể, và đặt chúng vào không gian nhà vô thực. Như trong tác phẩm “Sĩ số 40”, chiếc bóng của cậu học sinh đang chào cờ được in khắc gỗ lặp lại nhiều lần trên các miếng giấy dán tường. Nghi thức chào cờ trang nghiêm, mà đối với cậu học sinh cũng thường nhật như việc làm bài về nhà. Cũng như vậy, tác phẩm “Ngôi sao sa” gợi lại hình ảnh phố phường tràn ngập đèn ông sao vào dịp Trung Thu. Ngoài ra, các khẩu hiệu, biểu ngữ, cột cờ và tượng đài... cũng được sắp đặt một cách dày đặc trong triển lãm.

Qua các tác phẩm sắp đặt đa phương tiện, nghệ sĩ muốn truyền tải sức mạnh của phép lặp, và khám phá những tương quan giữa cái công cộng và cái riêng tư, từ đó mang đến cho công chúng một không gian đan xen của ký ức và tưởng tượng.

Thái Minh