TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC HỒ ĐỨC PHỚC

Dân chủ, công khai, minh bạch, đáp ứng nguyện vọng của cử tri

- Thứ Tư, 14/02/2018, 11:13 - Chia sẻ
(ĐBND Xuân Mậu Tuất) - Chuyên đề hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn là điều kiện bắt buộc của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong việc lựa chọn đơn vị, đầu mối và chủ đề kiểm toán hàng năm. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước HỒ ĐỨC PHỚC cho biết, đây là sự khẳng định mạnh mẽ của KTNN trong việc phát huy cao nhất tính dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của KTNN nói chung và hỗ trợ hiệu quả hoạt động giám sát của QH nói riêng, nhằm đáp ứng nguyện vọng của cử tri cả nước.


Ảnh: Lâm Hiển

Kiến nghị xử lý 43,6 nghìn tỷ đồng trong năm 2017

- Vai trò, vị trí của KTNN đã được Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước định rõ. Xin ông chia sẻ những đóng góp của KTNN đối với quản lý ngân sách nhà nước nói chung và minh bạch ngân sách nói riêng?

- Là cơ quan do QH thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN đang từng bước khẳng định vai trò là công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động giám sát của QH, HĐND các cấp, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững.

Hàng năm, KTNN đã tổ chức kiểm toán để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bộ, cơ quan trung ương có quy mô kinh phí lớn; hơn 30 báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế và nhiều báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành của các dự án lớn; kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý tài chính đối với các sai phạm phát hiện qua kiểm toán. Cụ thể như, năm 2016 đã kiến nghị xử lý tài chính 38.776 tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm hoạt động của KTNN, gấp 2 lần so với năm 2015, đến năm 2017, mới chỉ tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 43.660 tỷ đồng (tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 32.609 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 11.051 tỷ đồng), tăng 12,5% so với năm 2016; kiểm toán 22 dự án BOT, kiến nghị giảm 62 năm 8 tháng; kiểm toán việc quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, KTNN phát hiện thừa 57.175 người…

KTNN đã tham mưu hoàn thiện thể chế nhằm chống thất thoát, lãng phí, lợi dụng xâm phạm tài sản công, tài chính công, như: việc giao đất có thu tiền sử dụng đất khu đô thị; việc quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản; quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016; hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư các chương trình, dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT; xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa...

Không chỉ phát hiện các tồn tại, hạn chế trong chấp hành quy định về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước mà thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN còn đánh giá kết luận và kiến nghị về tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ngoài ra, hàng năm KTNN đều trình ý kiến của KTNN để QH xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia góp phần cảnh báo và ngăn chặn các tồn tại, hạn chế sớm nhất góp phần sử dụng nguồn lực nhà nước có hiệu quả.

Từ các kết quả kiểm toán, KTNN đã cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, số liệu tin cậy cho QH, HĐND các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và thực hiện chức năng giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

- Thực tế cho thấy, kiểm toán phát hiện sai phạm đã khó, thực hiện kết luận kiểm toán còn khó hơn, thậm chí còn xảy ra tình trạng vô hiệu hóa kết quả kiểm toán… Theo ông, cần chế tài như thế nào để báo cáo kiểm toán của KTNN bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán như quy định của Luật KTNN?

- Việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan; yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài KTNN. Vì vậy, để thực hiện quy định tại Điều 7, Luật KTNN năm 2015 “Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, đòi hỏi báo cáo kiểm toán của KTNN phải chính xác, trách nhiệm cao, đầy đủ bằng chứng xác đáng, chắc chắn để đối tượng kiểm toán phải “tâm phục, khẩu phục”. Trong trường hợp các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời các kiến nghị của KTNN thì cơ quan KTNN có văn bản kiến nghị với cơ quan chủ quản để xử lý. Đồng thời, báo cáo và cung cấp thông tin kịp thời cho các ĐBQH, HĐND các cấp để QH, HĐND thực hiện chức năng giám sát. Mặt khác, để khắc phục khoảng trống pháp luật, KTNN sẽ tích cực nghiên cứu sửa đổi Luật KTNN theo hướng quy định rõ trách nhiệm pháp lý của đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện các kiến nghị và kết luận kiểm toán nhằm bảo đảm tính hiệu lực của các báo cáo kiểm toán phát hành; ban hành nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Kiểm toán viên nhà nước kiểm toán các công trình xây dựng cơ bản Ảnh: Như Ý

Phải dân chủ, công khai, minh bạch

- Để KTNN thực sự phát huy được vai trò lớn hơn trong việc minh bạch ngân sách nhà nước, theo ông cần những giải pháp nào?

- Để tiếp tục khẳng định vai trò của KTNN là công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng, Nhà nước và QH trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt là tăng cường tính minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, KTNN sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, bám sát sự chỉ đạo của QH để triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của ngành một cách khoa học, hiệu quả; chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật về kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát của QH, UBTVQH, chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Thứ hai, tập trung kiểm toán thường niên Báo cáo quyết toán ngân sách của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ngân sách trung ương để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách nhằm phục vụ cho việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm của QH, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thứ ba, chủ động lựa chọn các chuyên đề, lĩnh vực quan trọng, cần thiết, nhiều dư luận xã hội quan tâm để thực hiện kiểm toán nhằm phục vụ tốt nhất các hoạt động giám sát của QH; kịp thời đánh giá và cung cấp thông tin về việc triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách lớn về Đảng, Nhà nước về cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công; cơ cấu lại đầu tư công và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiểm toán hoạt động nhằm đi sâu, đánh giá hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và tháo gỡ các tồn tại, hạn chế về cơ chế chính sách trong quản lý tài chính, tài sản công; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm toán, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật; theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán...

Thứ năm, kiện toàn bộ máy KTNN, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán nhằm từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động kiểm toán; tiếp tục nâng cao năng lực cơ quan KTNN, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương và kỷ luật của đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên.

Thứ sáu, công khai, minh bạch kịp thời các báo cáo kiểm toán để lãnh đạo QH, UBTVQH, cơ quan đoàn thể và nhân dân giám sát việc quản lý tài chính, tài sản của các đơn vị nhằm uốn nắn sai sót, lệch lạc có thể xảy ra.

- Trước đòi hỏi của cử tri, hoạt động của QH ngày càng phát huy tính dân chủ, sự công khai, minh bạch, để ngày càng gần dân và sát dân hơn. KTNN đề ra nhiệm vụ trọng tâm nào để đáp ứng được yêu cầu chuyên đề giám sát của QH trong năm 2018, thưa ông?

- Trong quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm, chuyên đề hoạt động giám sát của QH, UBTVQH luôn là điều kiện bắt buộc của KTNN trong việc lựa chọn đơn vị, đầu mối và chủ đề kiểm toán. Đồng thời, việc chủ động tổ chức kiểm toán để có kết quả, số liệu sớm báo cáo Đoàn giám sát là yêu cầu việc tổ chức hoạt động của KTNN.

KTNN sẽ tiếp tục thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công theo kế hoạch đã ban hành. Trong đó, tập trung vào một số chuyên đề, như: kiểm toán, đánh giá việc quản lý và sử dụng vốn ODA; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; chuyên đề kiểm toán hoàn thuế GTGT; đánh giá chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế; kiểm toán việc bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; kiểm toán việc xác định giá trị doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... nhằm chủ động phối hợp và kịp thời cung cấp các thông tin phục vụ hoạt động giám sát của QH, UBTVQH, chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Đồng thời, hàng năm KTNN cũng đã chủ động triển khai kiểm toán và tổng hợp kết quả kiểm toán qua các năm để cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin phục vụ tốt nhất hoạt động kiểm tra, giám sát của QH và UBTVQH.

Thực tế trên là sự khẳng định mạnh mẽ của KTNN trước cử tri cả nước trong việc duy trì và phát huy cao nhất tính dân chủ, sự công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của KTNN nói chung và hỗ trợ hiệu quả hoạt động giám sát của QH nói riêng trên tinh thần đáp ứng cao nhất ý chí và nguyện vọng của người dân và cử tri cả nước. Qua đây, KTNN cũng chân thành cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ của cử tri cả nước tới các hoạt động kiểm toán của KTNN một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các ĐBQH, HĐND nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN, xứng đáng là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lâm Hiển thực hiện