Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng

Đám cưới Arnolfini

- Thứ Hai, 21/09/2015, 08:15 - Chia sẻ
Trong suốt chiều dài của lịch sử hội họa phương Tây, nếu không nhắc đến Đám cưới Arnolfini của Jan Van Eyck là thiếu sót lớn. Một bức tranh thuộc về hội họa Phục hưng Hà Lan, cũng là bức tranh đánh dấu bước chuyển lịch sử quan trọng trong hội họa thế kỷ XVI.

Đám cưới Arnolfini là tên được người đời sau đặt cho một bức họa không tên của Jan Van Eyck vẽ năm 1434. Bức tranh còn được gọi bằng nhiều cái khác nữa như “Chân dung Giovanni Arnolfini và vợ ông là Giovanna Cenami” hay ngắn gọn hơn là “Vợ chồng Arnolfini”. Bức tranh ngay từ khi được vẽ ra đã tạo ấn tượng khó phai đối với hầu hết người xem dù chỉ một lần, bởi vẻ tỉ mỉ trong việc mô tả từng chi tiết, từ căn phòng đến chân dung. Hai vợ chồng nhà Arnolfini đang lặng lẽ trao nhau tình cảm, tay trong tay thật dịu dàng. Người vợ dường như hơi cúi xuống còn người chồng thì chìm sâu vào cảm xúc khá đặc biệt.

Đám cưới Arnolfini, vẽ năm 1434, kích thước 60 x 83 cm, sơn dầu trên gỗ của Jan Van Eyck, hiện lưu tại Phòng trưng bày Quốc gia London

Việc bức tranh được đặt tên là Đám cưới Arnolfini có lẽ do những dấu hiệu có tính ám thị được các nhà sử học nghệ thuật chỉ ra. Cây nến được thắp một bên ở trên trần giữa ban ngày như biểu tượng về dấu chỉ của cô dâu vào thời bấy giờ. Ngay phía dưới là chữ ký của Jan Van Eyck được vẽ cầu kỳ kiểu thư pháp Gothic, thường được sử dụng trong hồ sơ hay bản chứng nhận kết hôn, như ám chỉ họa sĩ chính là người chứng kiến cuộc hôn nhân này. Cuộc hôn nhân được tổ chức ngay tại gia đình vào thế kỷ XV thay vì đến nhà thờ phổ biến sau này.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, bức tranh không hẳn mô tả lễ cưới mà chỉ ca ngợi cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng vị thương gia người Italy. Cô vợ mặc chiếc váy dài màu xanh tha thướt, một tay trong tay người chồng của mình, còn tay kia đặt lên bụng, như thể cô đang có mang. Dưới chân cô là con chó nhỏ và phía góc sáng của căn phòng là đôi guốc. Tất cả như vẽ nên một cảnh tượng về sự bình yên, ấm áp và chờ đợi.

Chi tiết khiến cho bức tranh được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử hội họa có lẽ chính là tấm gương phản chiếu ở hậu cảnh. Nó cũng thể hiện thủ pháp mô tả một cách kỳ khu nhất của họa sĩ trong kỹ thuật thể hiện không gian. Thoạt nhìn, căn phòng và đôi vợ chồng hầu như không có gì đặc biệt. Nhưng chiếc gương lại thu toàn bộ cảnh căn phòng vào trong một khoảnh khắc. Hóa ra, không chỉ có đôi vợ chồng là nhân vật chính được nhìn thấy, mà tấm gương còn cho thấy 2 nhân vật nữa đang chứng kiến cảnh này. Và như vậy, Đám cưới Arnolfini đã vượt xa những chuẩn mực hội họa đương thời. Không còn là sự tỉ mỉ theo đúng phong cách Gothic cuối thế kỷ XV nữa, ở đây chiều sâu không gian đã được mô tả như con mắt ta có thể nhìn thấy trên mặt phẳng hai chiều. Nó được xem như khởi điểm của nghệ thuật Phục hưng sớm trong lòng châu Âu ở xứ Hà Lan, trong khi nghệ thuật Gothic mới chỉ chạm chân đến việc tạo không gian một cách khái quát. Từ cánh cửa sổ được phản ánh vào trong gương đến tấm rèm che màu đỏ của căn phòng… thì có thể coi hình ảnh trong gương là một bức tranh khác thu nhỏ tỷ lệ. Điều này cũng khiến cho không gian căn phòng vốn giới hạn, nhưng không gian trong gương lại mở ra những chiều kích khác.

Có thể nói Jan Van Eyck đã làm được điều mà không dễ gì những họa sĩ đương thời của ông đã làm. Nhiều nhà phê bình mỹ thuật cho rằng, khởi nghiệp với nghề vẽ tranh minh họa đã khiến Jan Van Eyck có kỹ năng tốt để vẽ những chi tiết thanh tú, điều tạo nên sức hấp dẫn cao độ cho tranh. Và bức tranh Đám cưới Arnolfini như thể đánh dấu bước ngoặt tiếp theo của lịch sử hội họa phương Tây.

Trang Thanh Hiền