Đại biểu là nhân tố quyết định chất lượng tiếp xúc cử tri

- Thứ Sáu, 22/06/2012, 08:47 - Chia sẻ
Một số địa phương tập trung cải tiến, đổi mới hình thức hội nghị TXCT như: mở rộng thành phần tham dự, dành nhiều thời gian để cử tri phát biểu; phân công chuyên viên theo dõi, giúp đại biểu thực hiện nhiệm vụ… Nhưng không ít hội nghị tiếp xúc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mong đợi của cử tri. Vậy đâu là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả TXCT?

TXCT là hình thức hoạt động định kỳ trước, sau kỳ họp HĐND để thu thập ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của cử tri về các vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp; báo cáo kết quả kỳ họp và việc giải quyết kiến nghị của cử tri; phổ biến, giải thích nội dung HĐND quyết định. Theo luật và quy chế hoạt động của HĐND, tổ đại biểu có ít nhất 10 ngày để lựa chọn, sắp xếp các buổi TXCT cho phù hợp. Nội dung chương trình hội nghị TXCT cơ bản được các cơ quan, tổ chức liên quan chủ động chuẩn bị trước cho đại biểu. Trường hợp công tác chuẩn bị chưa chu đáo, có thể lùi ngày tổ chức hội nghị theo dự kiến. Do vậy có thể khẳng định, đại biểu và các cơ quan, tổ chức liên quan hoàn toàn chủ động cho ngày tổ chức hội nghị TXCT đạt chất lượng và hiệu quả, trong đó đại biểu và tổ đại biểu là chủ thể quyết định.

Thực tiễn, đại biểu TXCT trước hoặc sau kỳ họp đều thực hiện theo quy định: Thường thực HĐND chủ động phối hợp với UBMTTQ cùng cấp lập kế hoạch; tổ đại biểu chủ động phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ cấp dưới trực tiếp lập chương trình hội nghị TXCT cho từng đại biểu. Công tác chuẩn bị hội nghị như: gửi tài liệu, bố trí địa điểm, chuyển tải thông tin để cử tri biết tham gia, mời đại diện cơ quan, tổ chức liên quan tham dự và các điều kiện phục vụ khác nhìn chung chu đáo. Chương trình hội nghị thực hiện đúng quy trình: đại diện ban thường trực UBMTTQ cấp tổ chức TXCT tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần, chương trình, nội dung và phát biểu kết thúc hội nghị; đại biểu HĐND báo cáo với cử tri; cử tri phát biểu; đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân mời dự trả lời vấn đề cử tri nêu thuộc thẩm quyền; đại biểu HĐND phát biểu, tiếp thu.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động đổi mới hình thức, mở rộng thành phần, đối tượng và cải tiến phương pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả TXCT như: chú trọng tiếp xúc theo chuyên đề, đối tượng và theo khu vực; lập đề cương và tổng hợp kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri nơi tổ chức hội nghị, gửi tài liệu kịp thời phục vụ đại biểu; mời nhiều đại diện sở, ngành, lãnh đạo cấp huyện, xã và cán bộ, công chức có chuyên môn nghiệp vụ tham dự để xử lý trực tiếp kiến nghị của cử tri; dành nhiều thời gian cho cử tri phát biểu; phân công chuyên viên theo dõi, tổng hợp ý kiến và trả lời của cơ quan, cá nhân liên quan để đại biểu biết và xử lý. Sau hội nghị có bộ phận giúp việc tổng hợp, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đại biểu theo dõi, giám sát và trả lời cử tri. Việc tổ chức hội nghị được thực hiện theo hướng gần dân, trực tiếp ở thôn, tổ dân phố; chương trình hội nghị tiếp xúc được chính quyền cơ sở thông báo trên đài phát thanh địa phương trước vài ngày để nhân dân biết, bố trí theo dõi; nội dung cần xin ý kiến cử tri có nơi được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Tuy đã có nhiều cải tiến nhưng không ít hội nghị TXCT chưa đáp ứng được yêu cầu, mong đợi của cử tri, số cử tri trực tiếp lao động hoặc liên quan đến chủ trương, biện pháp HĐND sẽ quyết định tham gia hội nghị còn ít, chủ yếu là cử tri chuyên nghiệp. Tại hội nghị đại biểu chưa tập trung vào những vấn đề cần trình bày, phân tích để cử tri tham gia góp ý; các ý kiến, kiến nghị của cử tri phân loại, tổng hợp, xác định trách nhiệm còn chưa rõ, chủ yếu là tiếp thu mang tính tổng hợp để phân loại chuyển các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết. Như vậy, cử tri chỉ còn hướng duy nhất là chờ đại biểu thông tin lại. Sau hội nghị, nhiều đại biểu chuyển mọi ý kiến đến tổ đại biểu tổng hợp gửi Thường trực HĐND cùng cấp để chuyển UBND và các cơ quan có trách nhiệm trả lời, giải quyết và coi như là xong nhiệm vụ! Đến hội nghị tiếp xúc lần sau, đại biểu nào đến nơi đó thì báo cáo kết quả giải quyết (tức là thời gian cử tri chờ trả lời về vấn đề đại biểu tiếp thu là rất lâu; và đã có trường hợp đại biểu tiếp thu nhưng đại biểu khác trả lời, nên sự việc cử tri cần giải quyết chưa được sáng tỏ vì đại biểu tiếp thu, chuyển tải chưa đúng ý cử tri). Một số nơi lập kế hoạch tiếp xúc có biểu hiện né tránh, chưa chú trọng ở địa phương xuất hiện những vấn đề phức tạp. Có những trường hợp đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm, giữ cương vị thủ trưởng một lĩnh vực, ở địa phương xuất hiện vấn đề phức tạp nhưng chưa dành thời gian đến tiếp xúc để trực tiếp đối thoại, giải thích rõ cho cử tri.

Thực tiễn cho thấy, việc đổi mới hình thức, mở rộng thành phần, cải tiến phương pháp trên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội nghị TXCT, nhưng quyết định hiệu quả TXCT phải là trách nhiệm của đại biểu dân cử. Bởi luật, quy chế hoạt động của HĐND quy định mục đích hội nghị TXCT để đại biểu HĐND thu thập ý kiến, nguyện vọng, xem xét trả lời và phản ánh trung thực tới cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, theo dõi, đôn đốc giải quyết dứt điểm. Tức là, đại biểu là người chủ động và chịu trách nhiệm chính đến chất lượng và hiệu quả của hội nghị TXCT.

Để đạt được mục đích trên đòi hỏi đại biểu HĐND phải thực sự có tâm, có tầm và trách nhiệm trước nhân dân. Đại biểu lần đầu tham gia phải có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động dân cử. Trường hợp đại biểu chưa thể đáp ứng được kịp thời yêu cầu, nên có giải pháp được sử dụng đội ngũ chuyên gia, hoặc yêu cầu cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin làm rõ (nếu cần thiết). Đặc biệt, cần có quy định để đại biểu phải nắm rõ tình hình thực tế nơi cử tri đã gửi niềm tin và trao quyền cho mình, nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan đến tình hình ở cơ sở như: quy định cụ thể tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại đại biểu để cử tri giám sát, cho ý kiến góp ý trực tiếp với đại biểu và cơ quan, tổ chức quản lý đại biểu; HĐND có thể quy định cử tri phản ánh chất lượng hoạt động của đại biểu bằng quy trình đơn giản, dễ thực hiện (gửi đơn, bài viết hoặc những hình thức khác chứng minh đại biểu không hoàn thành nhiệm vụ). Nếu có 2 vấn đề thực hiện không tốt thì bị phê bình, cảnh cáo... nếu nhiều lần trong 1 năm không sửa chữa thì đưa ra HĐND bãi nhiệm đại biểu theo quy định.

Mặt khác, các cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, theo dõi, điều hòa phối hợp hoạt động của đại biểu HĐND cần tăng cường kiểm tra, giám sát và có giải pháp mang tính quy phạm để gắn trách nhiệm của đại biểu trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ như: kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri yêu cầu cụ thể tổ đại biểu phân công đại biểu có trách nhiệm liên quan đến địa bàn có vấn đề phức tạp để trực tiếp đối thoại với dân, tiếp thu và xử lý. Địa phương xảy ra điểm phức tạp, hoặc đối tượng cần lấy ý kiến nhưng chưa tổ chức hội nghị, yêu cầu bố trí thêm hội nghị TXCT tại nơi thuận lợi nhất để lắng nghe ý kiến nhân dân. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu tiếp thu cần quy định thời gian tối đa phải trả lời và hình thức trả lời để cử tri nhận được nhanh nhất như: gửi kết quả trả lời bằng văn bản về UBND nơi cử tri sinh hoạt, đề nghị phương tiện truyền thông nơi đó thông tin để cử tri biết, giám sát. Đối với cấp tỉnh, tổng hợp kết quả trả lời đăng trên báo địa phương để nhân dân quan tâm theo dõi và giám sát. Đối với những vấn đề HĐND sẽ quyết định mà còn nhiều ý kiến khác nhau cần lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, nhất là người có trình độ, kinh nghiệm công tác nên có hình thức khuyến khích cử tri tham gia. Hàng quý, Thường trực HĐND trực tiếp dự và tham gia cuộc họp của tổ đại biểu; có hình thức động viên kịp thời tổ đại biểu, đại biểu thực hiện tốt nhiệm vụ...

Thực hiện được đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu, tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu và cử tri trao đổi... hội nghị TXCT sẽ đem lại hiệu quả thiết thực.

Văn Đức Sơn
Phó văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Vĩnh Phúc