Đại biểu - nhân vật chính của chất lượng thảo luận tại kỳ họp HĐND

- Thứ Tư, 27/06/2012, 08:33 - Chia sẻ
Nâng cao chất lượng thảo luận tại kỳ họp, trước hết đại biểu HĐND phải phát huy trách nhiệm trước cử tri và phải là nhân vật chính của kỳ họp: tập trung nghiên cứu kỹ tài liệu, bám sát gợi ý thảo luận của chủ tọa và không né tránh khi bàn về các vấn đề nhạy cảm…

Thảo luận vừa là nội dung bắt buộc trong chương trình nghị sự của kỳ họp HĐND, vừa là giải pháp quan trọng phát huy ý thức trách nhiệm và trí tuệ của các đại biểu trước nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng các quyết sách của HĐND. Những nhiệm kỳ qua, hoạt động thảo luận tại các kỳ họp của HĐND tỉnh Bắc Giang từng bước có nhiều đổi mới thiết thực. Việc điều hành hoạt động thảo luận tổ và tại phiên họp toàn thể ở Hội trường đã ngắn gọn và tập trung hơn. Nhiều đại biểu tích cực nghiên cứu tài liệu, tranh luận tìm ra giải pháp thiết thực, góp phần để nghị quyết của HĐND sát với tình hình thực tế và sớm phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, ý kiến phát biểu còn ít, có ý kiến không tập trung vào những nội dung chính của kỳ họp. Nhiều đại biểu là thủ trưởng các ngành phát biểu thường mang tính giải trình cho ngành mình hoặc tranh thủ báo cáo thành tích; đại biểu ngành nào thì đề xuất giải pháp, biện pháp quản lý của ngành đó mà không cân nhắc đến giải pháp quản lý chung của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu chỉ nêu lại ý kiến cử tri, vấn đề nêu ra chưa có căn cứ xác đáng nên tính thuyết phục không cao. Các buổi thảo luận ở tổ hay hội trường còn có tâm lý ngại va chạm, nhiều đại biểu dè dặt, phát biểu chung chung, xuôi chiều, nhiều ý kiến còn nặng về góp ý câu chữ... Khi lựa chọn đại biểu thay mặt tổ phát biểu tại hội trường, phần lớn các tổ cử đại biểu ở cơ sở nên ý kiến nặng về phản ánh những vấn đề riêng của địa phương.

Nâng cao chất lượng thảo luận tại kỳ họp, trước hết đại biểu HĐND phải phát huy trách nhiệm trước cử tri và phải thực sự là nhân vật chính của kỳ họp: tập trung nghiên cứu kỹ tài liệu, bám sát gợi ý thảo luận của chủ tọa và không né tránh khi bàn các vấn đề nhạy cảm. Để có ý kiến phát biểu chất lượng tại kỳ họp, đại biểu phải chủ động TXCT, dành nhiều thời gian nghiên cứu báo cáo, tài liệu kỳ họp để nắm thông tin và những nội dung cần bàn thảo. 

Cần phát huy vai trò của Thường trực HĐND trong thảo luận tại kỳ họp. Để việc thảo luận có chất lượng và tập trung, trước kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh gửi hướng dẫn gợi ý các vấn đề thảo luận để đại biểu có cơ sở định hướng nghiên cứu các văn bản pháp luật và tích cực nắm tình hình thực tế. Tổ trưởng các tổ đại biểu khi điều hành thảo luận tổ cần bám vào những vấn đề đã được gợi ý. Như vậy, phiên thảo luận sẽ diễn ra sôi nổi, hiệu quả, khắc phục một bước tình trạng nói nhiều về ngành mình, cấp mình mà không tập trung đề xuất được các giải pháp cụ thể cho nhiệm vụ KT-XH chung. Trong phiên thảo luận về các đề án, dự thảo nghị quyết, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và một số vấn đề các ban HĐND đề cập trong báo cáo thẩm tra, Thường trực HĐND định hướng các nội dung thảo luận tại kỳ họp, giúp đại biểu tập trung tranh luận làm rõ những vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau để lựa chọn phương án tối ưu khi biểu quyết thông qua.

Đổi mới công tác điều hành thảo luận. Căn cứ vào ý kiến thảo luận của các đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn một số vấn đề nổi cộm, bức xúc của cử tri đề nghị UBND tỉnh giải trình ngay tại kỳ họp và đề ra giải pháp xử lý. Ngoài ra, căn cứ vào bản tổng hợp kiến nghị cử tri trước kỳ họp, kết quả giám sát, kiến nghị của các ban HĐND, Thường trực HĐND nên chọn một vài nội dung quan trọng, bức xúc đang được xã hội quan tâm, chẳng hạn như: tình trạng sai sót trong cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; kết quả thu hút đầu tư; chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non, cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản; quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu tiền thuê đất, quản lý thu - chi các quỹ đóng góp tự nguyện ở cấp xã... yêu cầu UBND có báo cáo chuyên đề trình ra kỳ họp để các đại biểu HĐND xem xét, đánh giá. Qua đó khẳng định kết quả triển khai thực hiện các chuyên đề, kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót để HĐND tham khảo ban hành nghị quyết hoặc đưa ra chất vấn để làm rõ tại kỳ họp.

Tăng cường vai trò của tổ trưởng tổ đại biểu HĐND. Tổ trưởng tổ đại biểu có trách nhiệm nghiên cứu, tìm hiểu và nắm vững các vấn đề đòi hỏi phải có các biện pháp để thực hiện chủ trương, chính sách, và với gợi ý thảo luận đã được định hướng có trách nhiệm gợi mở, hướng dẫn các đại biểu trong thảo luận Tổ để tập trung bàn thảo các vấn đề HĐND sẽ quyết định.

Một nội dung cũng rất thiết thực nữa là nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Chuyên viên Văn phòng giúp Thường trực HĐND tổng hợp, dự kiến nội dung thảo luận tại kỳ họp; kịp thời tổng hợp Biên bản thảo luận Tổ. Việc tổng hợp ý kiến thảo luận tại kỳ họp phải bao quát hết những ý kiến của đại biểu trên các lĩnh vực, nhưng cũng phải nêu rõ được các ý kiến nhất trí với dự thảo nghị quyết, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần thảo luận tại Hội trường để làm căn cứ thông qua các nghị quyết tại kỳ họp; đồng thời giúp Thư ký kỳ họp kịp thời chỉnh sửa, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham gia vào dự thảo nghị quyết trình Chủ tọa kỳ họp. Vì vậy, cần bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ chuyên viên Văn phòng, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong hoạt động của cơ quan dân cử hiện nay.

Vũ Tấn Cường