Đã trình ra QH thì phải có quyết sách cụ thể

- Chủ Nhật, 27/05/2012, 08:59 - Chia sẻ
Tôi hoan nghênh Chính phủ đã trình Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế theo đúng Nghị quyết của QH.

Nhưng dù đây chỉ là một khung quan điểm, sau đó sẽ đưa ra những đề án cụ thể thì vẫn khó có thể gọi là Đề án tái cơ cấu. Những ý tưởng về hướng phát triển, 12 nhóm giải pháp cũng tương tự như Nghị quyết của Đảng. Trong khi đó, điều được trông đợi nhất ở Đề án này là từ thực tiễn, nội dung, định hướng tái cấu trúc cần xác định những cái gì thuộc thẩm quyền của QH cần được quyết định ngay tại Kỳ họp thứ Ba để Chính phủ có cơ sở thực hiện? Tuy nhiên, Đề án không xác định được yêu cầu này. Còn các dự án luật được đề xuất trong Đề án đều nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ Khóa XIII. Vậy QH cần có ngay những quyết sách nào để triển khai tái cơ cấu nền kinh tế? Để tái cơ cấu nền kinh tế thì cần trả lời câu hỏi sẽ có chính sách gì về tín dụng, về thuế, về ngoại hối, đất đai... mà Chính phủ không có thẩm quyền thực hiện, cần QH quyết định?

Trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trình QH mới chỉ dừng ở quan điểm chung. Những quy hoạch, kế hoạch được xây dựng lâu nay đã xác định những định hướng được nêu ra trong Đề án. Điều quan trọng nhất với doanh nghiệp là cái gì mà cạnh tranh được, mang lại lợi nhuận thì họ mới làm; không phải cái Nhà nước muốn thì doanh nghiệp sẽ làm. Do đó, Đề án cần xác định những giải pháp nào để tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế? Đi kèm đó là hệ thống chính sách toàn diện, tính toán đến các mặt kinh tế, môi trường và xã hội để bảo đảm tác động thực tiễn của các giải pháp đã đưa ra. Đề án chưa làm được như vậy nên gần như chỉ là lời hiệu triệu, sẽ khó có tác dụng khi triển khai.

Nếu chúng ta công bố một Đề án như vậy thì chưa tạo định hướng, niềm tin để lôi kéo doanh nghiệp. Bởi một trở ngại lớn với phát triển kinh tế - xã hội nước ta là tình trạng chia cắt thành 63 nền kinh tế khiến đầu tư dàn trải, phân tán. Mặt khác, chúng ta đã xác định tái cơ cấu nền kinh tế có nghĩa là tái phân bổ lại nguồn lực. Nhưng Đề án chưa đưa ra giải pháp để xóa bỏ tình trạng cát cứ 63 nền kinh tế. Tôi thấy rằng, nếu Đề án không được tiếp tục hoàn chỉnh, khi biểu quyết thông qua, có lẽ QH cũng không biết phải quyết thế nào do chẳng có gì để quyết. QH chỉ có thể đọc để biết về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Đã trình ra QH thì phải trình quyết sách cụ thể, thuộc thẩm quyền của những cơ quan nào.

ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh)