Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp?

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 08:06 - Chia sẻ
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ với đối tác nước ngoài, dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã thay đổi một số điều kiện với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trong các sửa đổi, bổ sung về nội dung này có một số quy định tưởng thông thoáng hơn nhưng vẫn làm khó doanh nghiệp, thậm chí có quy định được đề nghị xem xét lại.

 Không thể đào tạo lao động trong ngày một, ngày hai

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa cao, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của người sử dụng lao động nước ngoài là do Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hiện hành quy định doanh nghiệp chỉ được phép tuyển chọn lao động sau khi hợp đồng cung ứng lao động được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận. Quy định này khiến doanh nghiệp không có nhiều thời gian để tuyển chọn và đào tạo lao động theo yêu cầu về chất lượng và tiến độ của đối tác. Từ đó dẫn đến tình trạng chất lượng lao động không bảo đảm (nếu đào tạo không đủ thời gian) hoặc mất cơ hội ký hợp đồng cung ứng lao động, mất đối tác, giảm tính cạnh tranh với doanh nghiệp cung ứng của các quốc gia khác (nếu đào tạo đủ thời gian theo yêu cầu quy định của luật).

Tại dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) quy định cho phép doanh nghiệp dịch vụ được chuẩn bị nguồn lao động trước khi đăng ký hợp đồng cung ứng lao động sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được chủ động trong công tác chuẩn bị nguồn lao động phù hợp với yêu cầu của đối tác nước ngoài, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, uy tín trên thị trường cung ứng lao động quốc tế.

Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định này để tuyển chọn, đào tạo tràn lan, gây thiệt hại cho người lao động và lãng phí cho xã hội, dự thảo Luật đã quy định các điều kiện để doanh nghiệp được chuẩn bị nguồn (Khoản 2 Điều 19), cơ chế quản lý đối với hoạt động chuẩn bị nguồn (Khoản 1, Khoản 2 Điều 20), trách nhiệm và hậu quả pháp lý của doanh nghiệp trong hoạt động chuẩn bị nguồn (Khoản 3 Điều 19, Điểm c Khoản 1 Điều 20). Quy định này tưởng như đã “mở” hơn cho doanh nghiệp, song nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, nếu thực hiện như dự thảo Luật sẽ làm doanh nghiệp rất bị động và dễ mất cơ hội. Như phân tích của ĐBQH Trần Kim Yến (TP Hồ Chí Minh), chất lượng nguồn lao động được thể hiện qua ba yếu tố là trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề và ý thức tuân thủ pháp luật. Để chuẩn bị nguồn nhân lực xuất khẩu lao động có đầy đủ ba yếu tố nêu trên không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Do vậy, để có nguồn lao động chất lượng cung ứng cho đối tác, doanh nghiệp cần có thời gian để tuyển chọn, đào tạo. Phải coi đây là nguồn đầu tư của chính doanh nghiệp, để khi có cơ hội, có thị trường thì doanh nghiệp mạnh dạn ký hợp đồng cung ứng ngay. "Tuy nhiên tại Khoản 2 Điều 19 dự thảo Luật lại quy định doanh nghiệp dịch vụ chỉ được chuẩn bị nguồn lao động nếu bên nước ngoài tiếp nhận lao động yêu cầu hoặc theo kế hoạch hợp tác hàng năm với bên nước ngoài tiếp nhận người lao động… Làm như vậy doanh nghiệp sẽ rất bị động và rất dễ bị mất cơ hội", ĐBQH Trần Kim Yến thẳng thắn.

Quy định tại dự thảo Luật được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng phía nước ngoài không có nhu cầu nhưng doanh nghiệp vẫn tạo nguồn lao động để bán lao động cho đơn vị khác. Nhưng ĐBQH Trần Kim Yến đặt vấn đề, "không phải cái gì ta không quản được thì lại cấm". Bởi, nếu không cho doanh nghiệp tạo nguồn, khi tìm được thị trường sẽ không có nguồn lao động kịp thời để cung ứng, sẽ vuột mất cơ hội. Do vậy, theo đại biểu, cần có quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động tạo nguồn lao động cho mình, tránh tình trạng "tay không bắt giặc" - tức là cứ ký hợp đồng với đối tác rồi tìm nguồn, tạo nguồn sau.

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản  

Còn nặng xin - cho?

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định mới “Thời hạn Giấy phép là 05 năm, được gia hạn Giấy phép nhiều lần, mỗi lần 5 năm” (Khoản 2 Điều 11). Việc bổ sung quy định này được cho là cần thiết nhằm phù hợp với quy định về thời hạn của các giấy phép khác trong lĩnh vực lao động hiện nay; góp phần bảo đảm các doanh nghiệp sau khi cấp phép luôn nỗ lực nâng cao năng lực, uy tín hoạt động, duy trì và phát triển mở rộng thị trường và chăm lo quyền lợi của người lao động do mình đưa đi, và tạo cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn cho cơ quan quản lý nhà nước với hoạt động của các doanh nghiệp.

Nhưng quy định này khiến ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) băn khoăn khi còn mang nặng hình thức “xin - cho”, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan giúp Chính phủ soạn thảo dự án Luật này, lý giải, việc thay đổi quyết định này là để thuận tiện trong quản lý, đánh giá năng lực doanh nghiệp và góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đại biểu nhận thấy, không cần thiết quy định như vậy, vì đi ngược lại xu hướng cải cách hành chính của Chính phủ, tạo thêm nhiều phiền hà cho doanh nghiệp. Trên thực tế, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, chưa có doanh nghiệp nào do giấy phép không ghi thời hạn mà cơ quan nhà nước không thể đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp này vi phạm pháp luật. Đồng thời tại Khoản 2, Điều 17 cũng quy định nộp lại giấy phép, thu hồi giấy phép đã quy định khá cụ thể các trường hợp doanh nghiệp, dịch vụ bị thu hồi giấy phép. Do vậy, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn đề nghị, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc lại quy định giấy phép có thời hạn 5 năm có phù hợp hay không?

Dù việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài hiện thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, song do được ban hành từ nhiều năm trước, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện hành không chỉ thiếu thống nhất với các bộ luật, luật được sửa đổi gần đây, có những quy định lạc hậu so với hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc bổ sung các điều kiện với doanh nghiệp đưa người lao động làm việc ở nước ngoài cần cân nhắc, rà soát kỹ càng, đặc biệt là nghiên cứu luật pháp ở quốc gia chú trọng khai thác hoạt động này, để bảo đảm tính khả thi, không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thanh Hải