Quản lý và sử dụng đất nông, lâm trường

Đa sở hữu đất, lấy cạnh tranh làm động lực?

- Thứ Hai, 02/12/2019, 07:49 - Chia sẻ
Quản lý và sử dụng đất nông, lâm trường không hiệu quả là câu chuyện không mới. Theo các đại biểu tham dự Hội thảo pháp luật về quản lý và sử dụng đất nông, lâm trường ở Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra do Viện Nghiên cứu lập pháp vừa tổ chức, nên chăng chúng ta cần thực hiện hình thức đa sở hữu đất ở các nông, lâm trường, lấy cạnh tranh giữa tư nhân với Nhà nước làm động lực phát triển. Xử lý câu chuyện phát canh thu tô bằng cách giao nhiều quyền hơn cho người dân, và chỉ ấn định thu phí từ 5 - 10%, tạo điều kiện cho người dân làm giàu từ đất nông, lâm trường.

“Đầu kéo” phát triển một số ngành hàng nông, lâm sản

Với bề dày hình thành và phát triển hơn 60 năm, các đại biểu tham dự Hội thảo nhận định: nông, lâm trường cũng gắn bó với mỗi thời kỳ cách mạng của đất nước, đó là thời kỳ kế hoạch tập trung và thời kỳ định hướng XHCN. Theo Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai Phạm Ngô Hiếu, các nông, lâm trường đã có đóng góp tích cực cho việc khai hoang, phục hóa, đưa hàng triệu héc ta đất hoang hóa vào sử dụng, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT - XH, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân trong vùng. Nhiều nông lâm trường đã trở thành nòng cốt, là “đầu kéo” phát triển một số ngành hàng nông, lâm sản quan trọng, tạo điều kiện để hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, tạo cơ sở cho xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm sản.


Nguồn: ITN

Mặc dù có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển KT - XH của đất nước, nhưng trong quá trình hoạt động, các nông, lâm trường cũng nhiều lần được rà soát, sắp xếp lại để khắc phục các thiếu sót, yếu kém hiện hữu và để phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn của đất nước, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức. Việc sắp xếp nông, lâm trường mang tính đột phá là từ khi thực hiện Nghị quyết số 28 - NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16.6.2003 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Thực hiện Nghị quyết này, các nông lâm trường đã được đổi mới toàn diện về cơ chế quản lý, phân biệt rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ công ích; công tác quản lý, sử dụng đất được củng cố, rà soát và lập hiện trạng, lập quy hoạch sử dụng đất, rừng gắn với quy hoạch phát triển KT - XH, quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Xác định rõ diện tích cần giữ lại chuyển sang thuê và thực hiện giao khoán để quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất trong hoạt động của các nông, lâm trường vẫn là câu chuyện quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả đất, rừng. Các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ, đối với đất đai, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 28 - NQ/TW, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30 - NQ/TW ngày 12.3.2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nông ty nông, lâm nghiệp; trong đó, đề ra mục tiêu “quản lý chặt chẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng. Đất đai và tài nguyên rừng phải được giao cho những chủ thể quản lý, sử dụng có hiệu quả, gắn quyền lợi với trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ, phát triển rừng… Giải quyết cơ bản các tồn tại, vướng mắc về đất đai, nhất là đất ở, đất sản xuất của đồng bào các dân tộc, bảo đảm ổn định xã hội và thực hiện việc đổi mới quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật”. Tại Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh, trong đó bao gồm cả các công ty nông lâm nghiệp cũng nêu: “tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai và nguồn tài chính, tài nguyên quốc gia thuộc các công ty nông, lâm nghiệp”. Nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện được đúng mục tiêu của hai Nghị quyết quan trọng này.

Quản lý đất nông lâm trường đang thoát ly khỏi Luật Đất đai?

Một thực tế nữa được các đại biểu chỉ ra là tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích, sử dụng đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, “khoán trắng” còn tồn tại. Quy mô quản lý đất của các công ty nông, lâm nghiệp hiện quá lớn, không tương xứng với nhân lực, công cụ quản lý. Một số công ty nông, lâm nghiệp chậm đổi mới cơ chế quản lý, chưa hoạch toán sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, kinh doanh thua lỗ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp chậm, đến nay chỉ có 11/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm về đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc còn kéo dài chưa có biện pháp xử lý.

Thẳng thắn chỉ ra các mâu thuẫn hiện nay, một số chuyên gia về nông, lâm trường cho biết, quản lý đất, rừng ở các nông, lâm trường đang thoát ly khỏi Luật Đất đai và các quy định hiện hành. Chúng ta thực hiện phát canh thu tô khiến nông, lâm trường trở thành dạng “địa chủ kiểu mới” - không làm gì nhưng vẫn hưởng lợi (?). Thực tế trên xuất phát từ việc nông, lâm trường phải tuân theo quy luật thị trường, thị trường muốn lợi nhuận, Nhà nước lại muốn ổn định, công bằng xã hội. Ở trong mâu thuẫn này, “khi đất đai, lao động trở thành hàng hóa thì người dân, cán bộ ai cũng tham lam, cũng muốn lấy của Nhà nước cả”.

Chỉ ra tâm lý và thực tế như vậy, chuyên gia về nông, lâm trường khuyến nghị, cần thay đổi quy định theo kiểu “phát canh thu tô” ở Nghị định 135 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường, lâm trường quốc doanh và Nghị định 168 của Chính phủ về khoán rừng, vườn cây và các diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước bằng một tác động nhỏ. Đó là ấn định: Nhà nước chỉ thu phí từ 5 - 10%, còn lại là của người dân. Bằng hình thức khoán này, sẽ tạo ra hình thức đa sở hữu đất, khoán sản xuất cho người dân làm, làm hết trách nhiệm, hết mình để tạo ra hiệu quả. Tạo điều kiện cho người dân làm giàu từ đất nông, lâm trường.

Từng có ý kiến nên xóa bỏ các nông, lâm trường, nhưng thực tế cho thấy, không có nông, lâm trường mà khoán hết cho người dân, e rằng lại quay trở lại câu chuyện sản xuất nhỏ lẻ, mà không hướng tới sản xuất lớn. Theo các đại biểu, sản xuất theo hình thức nông, lâm trường và có Đảng, Nhà nước định hướng, quản lý vẫn tốt hơn. “Chúng ta có 1 triệu tấn cà phê, 1 triệu tấn cao su đều có vai trò của nông, lâm trường, nên không thể phủ nhận vai trò của nó được”. Khẳng định điều này, các đại biểu cho rằng, nông lâm, trường nên thực hiện theo hình thức đa sở hữu, lấy cạnh tranh giữa tư nhân, Nhà nước làm động lực phát triển, từ đó hình thành những “quả đấm thép” trong kinh tế nông, lâm nghiệp.

Anh Thảo