Chính sách và cuộc sống

Đà mới cho tăng trưởng!

- Chủ Nhật, 16/12/2018, 09:08 - Chia sẻ
Tăng trưởng GDP năm 2018 nhiều khả năng vượt con số 6,7%. Tất cả 12 chỉ tiêu đều đạt và vượt là dấu ấn ghi nhận sự điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành với tư duy và cách làm sáng tạo, nhịp nhàng! Những gì làm được là thành tựu, là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cần tổng kết thành bài học, tạo đà mới cho năm 2019 và các năm tiếp theo.

Chưa bao giờ đất nước có những bứt phá như hơn 2 năm của nhiệm kỳ này. Đó chính là nhiệm kỳ Đảng ta tuyên chiến với tham nhũng và thao túng quyền lực quyết liệt nhất. Đó là thời kỳ đất nước vượt lên nhiều khó khăn thách thức để có được vị thế như ngày hôm nay.

 Nhưng tư duy, chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta là “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”! Bởi quá lạc quan với thành tích, thành tựu sẽ không nhìn ra những gì còn bất cập, những gì còn yếu kém trong điều hành để có giải pháp và quyết sách tháo gỡ.

Phải nhìn về phía trước với bao thách thức đặt ra. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi chỉ đạo, nguồn lực ra sao? Hội nhập kinh tế càng sâu rộng, khi Hiệp định CPTPP đi vào thực thi, thì chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ thế nào để kinh tế tăng trưởng bền vững? Hãy dành nhiều thời gian mổ xẻ những gì chưa làm được, những gì còn bất cập, trì trệ, chậm trễ. Hãy từ những phân tích mổ xẻ ấy mà hiến kế đưa ra những cách giải thông minh cho bài toán điều hành kinh tế - xã hội.
 Công nghiệp hiện đại, giờ nhìn xem hiện đại đến đâu, đã đúng chủ trương, đường lối để đi thẳng vào công nghiệp hiện đại chưa? Vì sao công nghiệp chế biến vẫn lộ ra cái khó? Vì sao công nghiệp phụ trợ vẫn mãi loay hoay? Đất nước có nhiều mặt hàng, nhiều sản vật nổi tiếng nhưng xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều rào cản và lợi nhuận thu về vẫn chưa xứng tầm. Phải chăng tư duy chiến lược trong xuất khẩu còn non kém, chưa đủ tầm, đủ độ? Quản lý thị trường đã  bài bản chưa khi vẫn còn nhiều hàng giả, hàng nhái… trên thị trường? Đừng “vin” vào cái cớ lực lượng mỏng mà cần chỉ thẳng trình độ quản lý và cả sự “ăn theo”, bám vào những nhốn nháo của thị trường hàng hóa trong một bộ phận cán bộ quản lý thị trường chưa chuẩn chỉ. Đã thấy hàng giả, hàng lậu đủ các ngả tràn về các đô thị, các vùng quê chả thiếu thứ gì. Một thời hàng may mặc, giày dép… dán nhãn này nhãn kia, nhưng giờ chả cần nhãn mác nào đang bày bán tràn lan thì người dùng lấy gì để có niềm tin?

 Quản lý, điều hành tổng thể kinh tế - xã hội những ngày cuối năm càng không thể buông lỏng. Hoạt động ngân hàng cần tỉnh táo khi tăng lãi suất cả tiền huy động và tiền đầu tư cho vay, liệu có gây hệ lụy gì cho lạm phát và tăng giá không? Ngành điện cứ năm nào cũng “bài ca” kêu thiếu điện như khúc dạo đầu cho kế hoạch tăng giá điện rất cần nhìn lại. Cuộc chiến điện - than đang đặt ra không ít câu hỏi trong điều hành từ Bộ Công thương và các tập đoàn kinh tế lớn. Vì sao các nhà máy nhiệt điện không “mặn mà” với than trong nước? Đây cũng chính là lúc Tập đoàn Than - Khoáng sản phải nhìn lại chính mình để có tư duy khác đi. 

Kinh tế tăng trưởng, công nghiệp kéo về đến tận các vùng quê, càng cần “hàng rào” bảo vệ môi trường thế nào. Chọn lọc, thu hút đầu tư rõ ràng phải nâng tầm trong thẩm định để không “ôm về” những công nghiệp gây ô nhiễm môi trường! Một vấn đề cuối năm nào cũng bùng lên những cuộc chạy đua tiêu cho hết tiền ngân sách ở ngay các cơ quan nhà nước! Đây chính là những cái “u nhọt” của tham nhũng vặt dễ phát sinh. Đã từng có những chuyện không đi công tác nước ngoài cũng hạch toán là đi để moi tiền nhà nước, thế nên việc giám sát chi tiêu, quyết toán ngân sách ở các bộ, ngành; ở các tỉnh, thành, các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn càng phải tuân thủ kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Rộng xa hơn, những việc trọng tâm lớn hơn chính là những lỗ hổng trong đầu tư công cần nhanh chóng bịt lại. Vì sao các dự án đầu tư công giải ngân chậm chạp, có tiền mà khó tiêu? Vấn đề gì đang “ẩn náu” trong sự chậm trễ - như một nghịch lý đến khó tin ấy. Trách nhiệm người đứng đầu ở đâu? Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền các cấp và các chủ đầu tư thế nào chứ không thể cứ đổ lỗi cho pháp luật chưa đồng bộ, hay nghị định thực thi còn thiếu cái này cái kia. Hà Nội cần xử nghiêm vụ “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn, cần xem lại những dự án BT mà dư luận đang có ý kiến. TP Hồ Chí Minh phải rà soát tất cả các dự án treo - chờ, xem lại những ký tá sang nhượng đất đai, “mối quan hệ” với các doanh nghiệp, làm thất thoát tài sản rất lớn và làm hư hỏng, làm mất cán bộ đang là vấn đề rất nóng. Cần chỉ đạo rốt ráo giải quyết những bất cập ở khu đô thị Thủ Thiêm bằng chính ý nguyện từ lòng dân sao cho thuyết phục, đừng để kéo dài thêm nữa và phải coi đó là bài học lớn!

Từ niềm vui tăng trưởng kinh tế, phải coi đó là lợi thế, là đà mới, điểm tựa mới, cơ hội mới để tạo ra những bứt phá mới cho năm tới! Không thể ngủ quên trước thành tích, càng không thể lạc quan quá đà rồi sinh ra tự mãn, tự đại. Đường phía trước còn dài rộng với nhiều cam go thách thức! Điều cần thiết là nhìn thẳng vào những gì còn bất cập, non yếu để có “kế sách, quốc sách” vượt lên!

Hà Phương