Góc nhìn

Đã đến lúc phải quyết liệt

- Thứ Sáu, 11/01/2019, 09:01 - Chia sẻ
Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu năm 2018 vừa được Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành tại các bộ thì doanh nghiệp vẫn phải chi các khoản ngoài quy định. Trong đó, Bộ Công thương là cơ quan có tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả phí ngoài quy định lớn nhất, gần 51%. Kế đến là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với 34%. Câu hỏi đặt ra, phải gánh những khoản chi phí này, liệu doanh nghiệp của có còn cơ hội để “lớn”?

Trong tổng số hơn 2.800 doanh nghiệp được VCCI khảo sát, có đến 497 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 18% doanh nghiệp trả lời là “có” chi trả chi phí phi chính thức khi thực hiện các thủ tục hải quan, thủ tục chuyên ngành. Mặc dù so với năm 2015, tỷ lệ này đã giảm đến 10% nhưng điều này cho thấy, nạn chi phí gầm bàn vẫn chưa được xử lý triệt để. Điều đáng nói là có đến 15% doanh nghiệp cho biết sẽ “bị phân biệt đối xử” nếu không trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều khoản chi buộc doanh nghiệp phải “móc hầu bao”, song các khoản chi ấy không thể đưa vào hệ thống sổ sách tài chính, kế toán của doanh nghiệp. Bởi đó là những khoản chi thiếu minh bạch, là khoản “lót tay” khi thực hiện thủ tục hành chính có thể là liên quan đến cấp phép, đến thông quan. Ngoài ra, đó còn là khoản chi khi doanh nghiệp tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra ghé thăm không nằm trong kế hoạch. Mặc dù theo quy định, hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp không quá 1 lần trong một năm. Nhưng đã từng có doanh nghiệp phải “kêu cứu” chủ tịch tỉnh vì chỉ trong vòng 8 tháng mà doanh nghiệp tiếp đến 8 đoàn kiểm tra, thanh tra chuyên ngành.

Không chỉ là những khoản chi rất khó hạch toán, những thủ tục hành chính chồng chéo, không cần thiết đã trở thành vật cản rất lớn đối với sự phát triển của không ít doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ thực tế một thỏi kẹo chocolate phải “cõng” tới 13 giấy phép, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nói một cách chua xót rằng: “Ăn thế này thì đau hết cả răng, làm sao mà ăn được”.

Một thỏi chocolate “cõng” 13 giấy phép mà ông Mai Tiến Dũng đề cập hay thời gian nuôi gà ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà là những thực tế buồn về “rừng” thủ tục mà doanh nghiệp, người kinh doanh đang phải tuân thủ. Quy trình thủ tục này đã đẩy không ít doanh nghiệp vào tình trạng “sống dở, chết dở” bởi quy trình thủ tục rườm rà đã “giết chết” cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tục càng thiếu minh bạch, càng “đẻ” ra nhiều chi phí. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp “lớn”, chấm dứt tình trạng “phong bì kẹp tay” mới “trôi” việc thì công khai, minh bạch các thủ tục là điều cần phải làm. Các thủ tục hành chính phải bảo đảm cho người dân dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tránh tối đa cùng một thủ tục nhưng mỗi nơi áp dụng một kiểu gây khó cho người dân, doanh nghiệp.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP trong đó nêu rõ: Tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III.2019. Trước tháng 6.2019, hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện bảo đảm thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật. Đặc biệt, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh…

Nghị quyết của Chính phủ đã có, doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn vào sự quyết tâm cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất. Đã đến lúc phải quyết liệt, nói không với chi phí không chính thức. Muốn vậy, phải xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành địa phương không thực hiện nghiêm yêu cầu về việc cắt giảm thủ tục hay để xảy ra tình trạng tiêu cực “lót tay” mới “trôi” việc. Bởi, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: Chi phí không chính thức sẽ “giết chết” doanh nghiệp.

Lê Hùng