Chuyên mục Luật - Những điểm mới: Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án:

Đa dạng hóa phương thức giải quyết tranh chấp dân sự

- Thứ Ba, 21/07/2020, 05:26 - Chia sẻ
Gồm 4 chương, 42 điều, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Luôn tôn trọng sự tự nguyện của các bên

Giới thiệu về nội dung cơ bản của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án; trách nhiệm của tòa án đối với hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án.

Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình; kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án không điều chỉnh các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được quy định ở các luật khác.

Về nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Điều 3 của Luật này quy định 9 nguyên tắc, trong đó ba nguyên tắc cơ bản nhất là tự nguyện, bảo mật thông tin và linh hoạt. Cụ thể, Luật quy định hòa giải, đối thoại tại tòa án là hoạt động trước tố tụng nhưng không mang tính bắt buộc; người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đồng ý hoặc không đồng ý giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án; nếu không đồng ý thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Trong quá trình hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên phải luôn tôn trọng sự tự nguyện của các bên; các nội dung thỏa thuận, thống nhất phải phản ánh đúng ý chí của các bên tham gia hòa giải, đối thoại; tuyệt đối không được đe dọa, ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.

Về nguyên tắc bảo mật thông tin, khoản 5, Điều 3 quy định, các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật, trừ trường hợp bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ hoặc phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của Luật. Việc giữ bí mật đối với các thông tin trong quá trình hòa giải, đối thoại là yêu cầu bắt buộc; giúp các bên dễ dàng cởi mở chia sẻ thông tin, hòa giải viên dễ tìm ra nguyên nhân phát sinh tranh chấp, những mâu thuẫn chủ yếu cần giải quyết... Đồng thời, Hòa giải viên sẽ thiết lập được mối liên hệ tốt với các bên tranh chấp, giúp việc tiến hành hòa giải, đối thoại thuận lợi hơn.

Đặc điểm nổi bật của cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án là phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc. Việc tiến hành hòa giải, đối thoại không bị gò bó theo trình tự, thủ tục chặt chẽ như quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính mà Thẩm phán phải tuân theo khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong tố tụng. Trong quá trình hòa giải, Hòa giải viên được điều chỉnh phương pháp, thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải phù hợp với điều kiện của các bên nhằm đạt được kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Ảnh minh họa

Nhà nước tạo điều kiện cho hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Các Điều 5, 6 và 9 của Luật quy định, Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại tòa án; khuyến khích những người đủ điều kiện theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án làm Hòa giải viên; tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Nhằm khuyến khích hòa giải, đối thoại tại tòa án, Nhà nước bảo đảm kinh phí hòa giải, đối thoại từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án do ngân sách Nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp sau đây thì chi phí hòa giải, đối thoại do các bên tham gia hòa giải, đối thoại chịu: chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

Hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động gắn với tòa án, do Tòa án Nhân dân tổ chức thực hiện. Do vậy, Luật này quy định cụ thể trách nhiệm của tòa án như: Tổ chức, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật (gồm chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại); đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của Hòa giải viên; bố trí địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án; đề xuất, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại tòa án theo quy định của pháp luật… Ngoài ra, Tòa án Nhân dân có trách nhiệm bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, xóa tên Hòa giải viên; cấp, thu hồi thẻ Hòa giải viên; khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại cho Hòa giải viên; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

Một trong những chính sách được thể chế tại Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án là thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại đế giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Do vậy, Luật đã quy định cụ thể các điều kiện cần và đủ đối với người muốn được bổ nhiệm Hòa giải viên. Ngoài ra, Luật cũng quy định, người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên: Không đáp ứng điều kiện cần và đủ nêu trên; đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân, công nhân công an.

Từ Điều 16 đến Điều 41 (Chương III) của Luật này quy định trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại tòa án. Theo đó, quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Quyết định này có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của tòa án, theo kiến nghị của viện kiểm sát nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này.

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021.

Nhật An