HĐND tỉnh Ninh Thuận ban hành nghị quyết về kết quả giám sát việc phát triển nguồn nhân lực

Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục - đào tạo

- Thứ Ba, 04/08/2020, 06:47 - Chia sẻ
Tăng cường cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đồng bộ; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm... là những yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết chuyên đề về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2020 được HĐND tỉnh Ninh Thuận thông qua tại Kỳ họp thứ 14 vừa qua.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu

Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Ninh Thuận nêu rõ: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai được thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu; đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho lao động đạt kết quả tích cực. Quy mô, chất lượng giáo dục được duy trì; giáo dục miền núi được chú trọng; mạng lưới đào tạo nghề được mở rộng; công tác xã hội hóa xây dựng trường học ngoài công lập được tăng cường và đạt kết quả, nhất là đối với bậc giáo dục mầm non. Quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện sát với nhu cầu, vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu, tiêu chuẩn ngạch tuyển dụng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được củng cố, tinh gọn, chất lượng được nâng lên.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Ninh Thuận.
Ảnh: Yến Thảo

Từ thực tế việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác theo dõi, đánh giá phát triển nhân lực, định hướng, hoạch định chính sách phát triển nhân lực; việc hình thành hệ thống thông tin, dự báo nhu cầu nhân lực của địa phương chưa bảo đảm theo yêu cầu, Nghị quyết HĐND tỉnh nhấn mạnh yêu cầu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về dự báo, theo dõi, đánh giá, định hướng và hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ còn thấp, có chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Cụ thể như chuyển dịch cơ cấu lao động để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo; bảo đảm nhu cầu số lượng và nâng cao chất lượng lao động cho các ngành kinh tế trụ cột; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; một số chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng chưa được đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đáng chú ý là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hội nhập quốc tế; cơ cấu đào tạo nghề cho lao động chủ yếu là đào tạo nghề ngắn hạn, dạy nghề thường xuyên, lao động có trình độ từ trung cấp nghề trở lên còn thấp, chỉ chiếm 11,8% tổng lao động qua đào tạo nghề giai đoạn 2016 - 2020; chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế, đào tạo nghề chưa sát với nhu cầu sử dụng, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, du lịch... Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học còn thấp so với các tỉnh, thành trong khu vực và mức bình quân chung của cả nước. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng quản lý, kiến thức hội nhập của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa đáp ứng yêu cầu công tác trong xu thế hội nhập và phát triển. Thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ sau đại học ở nước ngoài chưa đạt hiệu quả như mong muốn; chính sách sử dụng, bố trí việc làm cho sinh viên là người dân tộc thiểu số theo hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp chưa được  bảo đảm…

Việc huy động các nguồn tài chính hợp pháp phát triển nguồn nhân lực theo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh còn hạn chế, chỉ đạt 11,7% so với kế hoạch. Trong khi đó, công tác xã hội hóa lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn khó khăn; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trường học ngoài công lập còn hạn chế.

Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo

HĐND tỉnh nhận định, những bất cập, hạn chế nêu trên, bên cạnh nguyên nhân khách quan còn do xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan như: Một số sở, ngành, chính quyền địa phương chưa thật quan tâm, chú trọng xây dựng, triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực của ngành, của địa phương; công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ chưa bảo đảm theo quy định; sự phân công, phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương trong phát triển nguồn nhân lực chưa thật rõ ràng, chặt chẽ.

Nhân lực là yếu tố then chốt của mọi thành công. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn thời gian tới, HĐND tỉnh Ninh Thuận thống nhất đề nghị UBND tỉnh tập trung tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; các cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực… để xây dựng các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp về phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn tới.

Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp; thực hiện hiệu quả công tác đào tạo lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong nước và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, duy trì, thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, sau mù chữ; tăng cường đầu tư phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, cần tăng cường cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo theo hướng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đồng bộ cả cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn khung trình độ quốc gia; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động của tỉnh, trong nước và quốc tế.

YẾN THẢO