Du lịch Đà Nẵng sau hai đợt dịch Covid-19

Cứu doanh nghiệp, phục hồi thị trường

- Thứ Tư, 16/09/2020, 16:09 - Chia sẻ
Đến thời điểm này, mới khoảng 20% doanh nghiệp du lịch (DN) ở Đà Nẵng mở cửa trở lại, còn 80% vẫn đang đóng cửa vì chưa có nguồn khách. Vừa mới phục hồi được chút ít vào tháng 6, tháng 7 thì dịch Covid-19 bùng phát lần 2, du lịch Đà Nẵng lại trở về số 0. Trước trực trạng này, có 2 nhiệm vụ cần thực hiện, một là giúp cho DN vượt qua khó khăn, hai là giúp cho thị trường phục hồi. Đây là chia sẻ của ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng xung quanh thực trạng và giải pháp khôi phục ngành “công nghiệp không khói” này.

Hơn 80% doanh nghiệp vẫn đóng cửa

- Xin ông cho biết ngành du lịch Đà Nẵng gánh chịu thiệt hại nặng nề như thế nào do hai đợt dịch bệnh liên tiếp xảy ra từ đầu năm đến nay?

- Hiện tại chưa có thống kê đầy đủ về những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang chuẩn bị có cuộc điều tra về vấn đề này. Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ cho thấy, doanh thu cả năm 2020 của ngành du lịch Đà Nẵng dự báo chỉ đạt khoảng 20 – 25% so với năm 2019. Chắc chắn chẳng có DN nào có lãi trong năm 2020. Đơn cử tháng 8 vừa qua, doanh thu các DN du lịch bằng không, nhưng vẫn phải chi trả các khoản phí lãi vay, lương nhân viên, bảo hiểm xã hội, tiền thuê văn phòng… Vì thế, DN đang rất khó khăn. Nếu không sớm phục hồi và có các gói trợ giúp thì số lượng lớn DN du lịch sẽ phá sản, đóng cửa.

Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng

Về nhân sự, có khoảng trên 45 ngàn lao động du lịch/tổng số 60 ngàn lao động toàn TP Đà Nẵng đang mất việc. Đây là con số rất lớn. Số lao động này cũng rất khó khăn, cần các gói giải cứu và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất nới điều kiện để họ có thể tiếp cận được nhiều gói hỗ trợ từ Chính phủ.

Đà Nẵng có trên 2.000 DN kinh doanh du lịch, vài ngàn hộ kinh doanh cá thể, những người buôn bán nhỏ… Đến thời điểm này, mới khoảng 20% DN mở cửa trở lại, còn 80% vẫn đang đóng cửa vì chưa có nguồn khách. Chúng tôi phục hồi được chút ít nguồn khách vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2 thì du lịch Đà Nẵng về lại số 0.

- Đâu là những giải pháp để có thể sớm phục hồi ngành du lịch, thưa ông?

- Chúng tôi đặt ra 2 nhiệm vụ: nhiệm vụ thứ nhất là giúp cho DN vượt qua khó khăn, bởi nếu họ không tồn tại thì lấy đâu để phục hồi du lịch. Hiện Hiệp hội Du lịch, cộng đồng DN và Sở Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất vào các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất là thuế, làm sao phải giảm hoặc miễn luôn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho năm 2020 và ít nhất nửa năm sau. Thứ hai, các ngân hàng phải giảm sâu thêm lãi vay cho DN, khoanh nợ, giãn nợ cho vay vốn. Thủ tướng Chính phủ vừa giao cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và ban hành chính sách mới cho việc giảm sâu lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cho vay. Đây là chính sách mà DN đang rất trông chờ. Thứ ba, phải giảm các loại chi phí như điện, nước, thuế đất, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội… cho DN du lịch. Thứ tư, nới điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ, cứu trợ của Chính phủ, bởi với các điều kiện như hiện nay thì hầu hết các DN không tiếp cận được. Ví dụ, quận/huyện hướng dẫn không phát sinh doanh thu, người lao động cho nghỉ thì DN mới được tiếp cận gói 64 ngàn tỷ đồng, điều kiện này rất ít DN tiếp cận được. Bởi lẽ, nhiều DN vẫn có vài đồng doanh thu nhờ mở cửa sau đợt đầu dịch bệnh diễn ra, nhưng thực tế họ rất khó khăn, thua lỗ. 

Đương nhiên, phải xác định nội lực của DN là chính. Các DN phải tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí, tận dụng nguồn thu, nhanh chóng phục hồi.

Du lịch Đà Nẵng đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do tác động nặng nề của hai đợt dịch Covid-19

Nhiệm vụ thứ 2 là giúp cho thị trường phục hồi, đây mới là nhiệm vụ cơ bản. Sau đợt dịch đầu tiên, du lịch Đà Nẵng đã phục hồi tốt. Chương trình kích cầu du lịch công bố ngày 23.5 đã mang lại hiệu quả cao. Minh chứng là vào tháng 7, lượng khách nội địa đến Đà Nẵng so với cùng kỳ vượt khoảng 20%. Mỗi ngày cao điểm đón khoảng 100 chuyến bay từ các địa phương đến Đà Nẵng. Như vậy là sức bật, năng lực quản lý điểm đến, năng lực làm sản phẩm, truyền thông, thu hút khách của Đà Nẵng quá tốt. Đó cũng là tín hiệu lạc quan cho phục hồi thị trường.

Tuy nhiên, đợt thứ hai này bối cảnh đã khác vì Đà Nẵng là vùng dịch. Đà Nẵng mới kiểm soát được dịch bệnh và nới lỏng giãn cách chưa được 1 tuần, hơn nữa đã qua mùa cao điểm du lịch. Cho nên khó có thể tập trung một lượng lớn khách trong ngắn hạn, mà phải làm cho dài hạn, thu hút các nguồn khách khác, và thông điệp cũng khác. Phục hồi lần này thông điệp chúng tôi đưa ra là “Du lịch an toàn”, đặt an toàn phòng chống dịch cho du khách lên trên hết. Dự kiến cuối tháng 9 này, Hiệp hội du lịch sẽ ký cam kết với Sở Du lịch trong việc triển khai bộ tiêu chí đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho du khách. Cho dù có phát hiện thêm các trường hợp lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thì du khách vẫn được an toàn. Thực hiện chủ trương của Chính phủ là tăng trưởng kép, sống chung với dịch trong tình hình mới.

Lộ trình dự kiến từ cuối tháng 9 này sẽ triển khai một chương trình cho người địa phương là “Người Quảng Nam – Đà Nẵng đi du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng” để chứng minh điểm đến an toàn. Chúng tôi đã đăng ký với một số đơn vị như Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài… và ngay trong tuần này đã có khách. Hy vọng từ tuần sau lượng khách sẽ phục hồi, đương nhiên không nhiều và tập trung cuối tuần nhưng ít ra cũng giúp DN mở cửa trở lại, có một nguồn thu để trả lương, chi phí biến đổi. Giai đoạn 2, chúng tôi sẽ mở rộng thị trường ra các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nếu kịch bản lạc quan.

Bước tiếp theo, dự kiến cuối tháng 10 khi Đà Nẵng đã qua hơn 1 tháng hoàn toàn kiểm soát tốt dịch bệnh, các đường bay phục hồi đầy đủ, chủ trương đã cho phép trở lại, chúng tôi sẽ triển khai những sản phẩm du lịch an toàn gắn với du lịch trải nghiệm, sản phẩm mới, du lịch chất lượng, du lịch MICE… 

Ngành du lịch Đà Nẵng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để đón du khách trở lại

Du lịch phải thích ứng với trạng thái bình thường mới

- Ông nhận định thế nào về khả năng phục hồi của du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới?

- Cộng đồng DN dự đoán năm 2020 này có phấn đấu tốt lắm thì cũng chỉ đạt 30% doanh thu so với năm 2019. Năm 2021 nếu phục hồi tốt thì chỉ đạt khoảng 70-80% so với năm 2019. Và tốt lắm thì năm 2022 mới đạt doanh thu bằng năm 2019. Câu chuyện phục hồi đầy đủ ngành du lịch phụ thuộc rất lớn vào việc tìm ra vaccine, thuốc điều trị Covid-19. Bởi chừng nào chưa có vaccine và thuốc điều trị thì vẫn còn sự e dè của du khách.

- Tâm lý lo lắng của nhiều DN du lịch ở giai đoạn hiện nay là liệu có nên quyết định bằng mọi cách đầu tư trở lại hay không, vì họ e ngại một đợt dịch khác. Ông có ý chia sẻ gì về vấn đề này?

- Đó là tâm lý chung không chỉ của DN nhỏ và vừa mà lớn cũng vậy. Dịch bùng phát lần 1 thì chúng ta hy vọng kiểm soát dài hạn. Nhưng khi du lịch phục hồi tốt thì dịch bùng phát lần 2. Do đó, sau hai đợt dịch vừa qua thì DN phải luôn luôn ở tâm thế mới là sẵn sàng cho đến khi có vaccine. Vì thế, câu chuyện có nên mở cửa hay không, triển khai hoạt động theo hướng nào thì các DN phải cân nhắc. Không thể nói cùng lúc mở cửa lại hơn 1.000 khách sạn ở Đà Nẵng? Bây giờ mở cửa khoảng 5 đến 10% số lượng khách sạn là đã đủ rồi. Cho nên, có số lớn các khách sạn vẫn cân nhắc và chưa mở cửa trở lại. Thậm chí có nhiều khách sạn từ dịch bùng phát đợt 1 đến nay vẫn đóng cửa, bởi vì họ cân nhắc doanh thu và chi phí bỏ ra…

Vì thế, trạng thái bình thường mới lần này có thay đổi so với đợt 1, đó là DN nếu mở cửa luôn ở tư thế đối mặt với việc có thể dịch bùng phát trở lại. Du lịch phải thích ứng, đó là triển khai bộ tiêu chí an toàn và kiên quyết thực hiện. Du khách cũng phải có ý thức đi du lịch trong tâm thế điểm đến xác định các biện pháp chống dịch an toàn và luôn luôn ở trong tình trạng nếu có ca lây nhiễm mới thì sẵn sàng ứng phó. Đó mới là giải pháp lâu dài. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quang Hải