Chính sách và cuộc sống

Cứu doanh nghiệp phải như cứu hỏa

- Thứ Tư, 25/03/2020, 08:15 - Chia sẻ
“Khoảng 15 ngày nữa hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải đóng cửa rồi, không có cơ hội sống sót chờ đến khi EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) có hiệu lực đâu”, Chủ tịch Hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Lê Xuân Quân nói như khóc sáng 24.3. Hầu hết nhà máy chế biến gỗ ở Đồng Nai, nơi có sản lượng gỗ xuất khẩu lớn của Việt Nam, đã bị khách hàng xin chậm xuất hoặc hủy đơn hàng, chậm trả tiền.

Cũng trong sáng qua, giám đốc một doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu ở Bình Dương phải họp bàn với lãnh đạo công ty để lo thủ tục bảo đảm quyền lợi cho công nhân trước khi họ nghỉ việc. Ông cho biết, một số nhà máy sản xuất hàng cho Mỹ đã làm đơn xin tạm dừng hoạt động. Các nhà mua hàng lớn đã có thông báo hủy bớt đơn đặt hàng, hoãn xuất hàng, do họ phải đóng cửa hệ thống cửa hàng và trung tâm phân phối.

Cho đến giờ phút này có thể nói cả doanh nghiệp lớn và nhỏ đều đã “thấm đòn” vì dịch Covid-19. Hàng loạt doanh nghiệp không có doanh thu, dòng tiền đi vào bị “chặn” lại, trong khi chi phí về nhân sự, mặt bằng, tồn kho… vẫn cứ ngày một tăng. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong tháng 2, khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với trên 15% trong tổng số doanh nghiệp.

Đằng sau những doanh nghiệp “lâm nguy” là số phận của hàng triệu người lao động. Vẫn theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hơn 1,3 triệu lao động sẽ mất việc nếu dịch Covid-19 lan rộng. Song song với tình trạng sa thải lao động là sự tụt dốc nhu cầu tuyển dụng. Dịch Covid-19 khiến nhu cầu tuyển lao động ở tất cả các địa phương đều giảm 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2019, thậm chí có nơi giảm mạnh như TP Hồ Chí Minh lên tới 40%, Hà Nội 36,7%. Cũng trong tháng 2 năm nay, số người đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là hơn 47 nghìn người, tăng 59,2% so với tháng 1.2020 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là chưa kể số lao động thất nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội nên không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu kéo dài, tình trạng người lao động mất việc trên diện rộng sẽ gây bất ổn rất lớn cho xã hội.

Hiện nay, sau Chỉ thị 11 của Thủ tướng yêu cầu quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, trao cho ngân hàng thương mại quyền tự quyết các khoản nợ xấu của mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn phải tiếp tục chờ đợi các tổ chức tín dụng ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01. Ngay cả khi các ngân hàng có bộ tiêu chí thì tiến độ giải cứu doanh nghiệp vẫn là một dấu hỏi. Bởi lẽ, theo Thông tư 01, để được ngân hàng xem xét hỗ trợ, doanh nghiệp phải chứng minh được doanh thu, thu nhập bị giảm vì Covid-19, nhưng việc này không dễ dàng, nhất là với những doanh nghiệp, ngành nghề gián tiếp chịu ảnh hưởng của dịch nhưng cũng cần được giải cứu. Hơn nữa, nhìn vào các gói hỗ trợ các ngân hàng tung ra trước khi có Thông 01, có thể thấy hầu hết ngân hàng đặt ra những điều kiện khá an toàn cho chính mình, ví dụ doanh nghiệp phải có lịch sử tín dụng tốt, thông tin minh bạch, là khách hàng truyền thống…

Trong khi đó, một cái phao khác doanh nghiệp nóng lòng mong đợi là dự thảo Nghị định về gói giãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm do Bộ Tài chính xây dựng - vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến, chưa biết khi nào mới được ban hành. Bên cạnh đó, đối tượng được hưởng chính sách được đánh giá là chưa đủ bao quát và thời gian giãn nộp thuế 5 tháng cũng chưa thấm vào đâu.

Lúc này, bên cạnh tập trung kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần xác định rằng, việc “cứu” doanh nghiệp phải gấp như cứu hỏa và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải thiết thực. Có như vậy mới kịp giải cứu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn như hiện nay.

Hà Lan