Tản mạn

Cuộc sống vẫn tiếp diễn

- Thứ Ba, 17/03/2020, 08:26 - Chia sẻ
Vấn đề là cuộc sống và nền kinh tế sẽ tiếp diễn theo cách nào? Con người sẽ tiếp tục bóc lột Trái đất, khai thác cạn kiệt tài nguyên, tàn phá môi trường như lâu nay? Thậm chí sống gấp hơn?

Chỉ mới đây thôi, dù trí tưởng tượng phong phú đến mấy, tôi cũng không thể hình dung về những ngày đi làm với chiếc khẩu trang màu xanh. Mỗi khi bước vào văn phòng được đo thân nhiệt và xịt cồn vào tay. Ấn tầng thang máy bằng đầu mũi chìa khóa.

Mỗi ngày trong phòng tin tức, tôi chứng kiến mọi người đọc về Covid-19 rất nhiều. Bản tin tường thuật cuộc họp khẩn chống dịch của Hà Nội vào 22h đêm 6.3 - đêm “bệnh nhân 17” được ghi nhận, có lượt bạn đọc tăng chóng mặt, dù diễn ra vào lúc mọi người đã bắt đầu đi ngủ. Mở các trang báo nước ngoài cũng vậy. Top stories luôn là Coronavirus.

Các nghiên cứu về thói quen đọc cho thấy mọi người thường chú ý vào những tin tiêu cực. Suy cho cùng, chúng ta cần ý thức được điều gì gây hại cho mình. Theo nhà tâm lý học thần kinh Rick Hanson, tổ tiên chúng ta sống sót và truyền lại được gene của họ là do nhờ liên tục tìm kiếm các mối nguy hiểm, rồi sau đó tăng phản xạ bằng các hormone căng thẳng để chiến đấu hoặc chạy trốn. Các thế hệ sống sót và phát triển những cơ chế sinh tồn sáng tạo hơn: Công cụ và vũ khí, ngôn ngữ tinh tế, thế giới công nghiệp và khoa học - công nghệ. Tất nhiên là cả... khẩu trang và nước rửa tay.

Bản năng khiến con người lo sợ khi gặp những điều họ không hiểu. Covid-19 có lẽ là một dạng như vậy. Mọi người sợ virus và sợ sự lây lan. Biện pháp chống dịch phổ biến trên thế giới là cách ly, tránh tụ tập đông người. Người ta thậm chí đóng cửa thành phố và toàn bộ đất nước, phong tỏa hàng chục, hàng trăm triệu dân.

Covid-19 nguy hiểm. Nhận định này dễ đạt được sự thống nhất. Nhưng mức độ nguy hiểm đến đâu và cần áp dụng những biện pháp mạnh cỡ nào, là vấn đề gây tranh cãi. Đơn giản vì cách ly ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và sự thịnh vượng mà con người mất bao công sức để xây dựng.

Khi trường học đóng cửa, hàng không, du lịch và chuỗi sản xuất, giao thương toàn cầu bị gián đoạn, các thị trường chứng khoán đi xuống, nhiều người thấy lo cho sự đình trệ kinh tế hơn cả virus. Ông chủ Nhà Trắng Donal Trump thậm chí còn động viên toàn dân với dòng Tweet khá sốc: “Năm ngoái, 37.000 người Mỹ chết vì cúm. Còn tính hàng năm, trung bình mỗi năm có từ 27.000 - 70.000 người chết vì cúm. Không việc gì phải dừng lại, cuộc sống và nền kinh tế vẫn tiếp diễn. Hiện tại có 546 trường hợp lây nhiễm corona virus và 22 ca tử vong. Hãy nghĩ về điều đó”.

Tôi đã nghĩ về điều đó. Hãy dành vài giây quay lại năm 1674, khi Anton van Leeuwenhoek - con trai một thợ làm giò, nhìn qua chiếc kính hiển vi tự chế và trở thành người đầu tiên quan sát được vi sinh vật. 300 năm sau đó, loài người đã làm quen với số lượng lớn các loài vi sinh vật mà trước đó họ không biết. Bằng sức đề kháng tự nhiên và khoa học, chúng ta đã đánh bật hầu hết bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất. Một cách tóm tắt, con người từng trải qua nhiều trận đại dịch và cuối cùng vẫn sinh sôi nảy nở.

Bởi vậy, dù dịch bệnh đang lan rộng toàn cầu, nhận định rằng “cuộc sống và nền kinh tế vẫn tiếp diễn” là hoàn toàn có cơ sở. Con người sẽ tìm cách đánh bại virus (dù châu Âu đang căng thẳng, nhưng Trung Quốc, Hàn Quốc bắt đầu có những tín hiệu tích cực) và tìm kiếm sự thoải mái trước đây.

Vấn đề là cuộc sống và nền kinh tế sẽ tiếp diễn theo cách nào? Con người sẽ tiếp tục bóc lột Trái đất, khai thác cạn kiệt tài nguyên, tàn phá môi trường như lâu nay? Thậm chí sống gấp hơn?

Dù sao cuộc sống lúc này đang chậm lại. Không có gì phải vội vàng, hãy rửa tay kỹ lưỡng và ấn vào nút like như sự ủng hộ cho một điều lạc nhịp - nhưng sẽ phòng tránh được những “cơn sốt”.

Võ Văn Thành