Cuộc chia tay không đúng lúc

- Thứ Năm, 09/07/2020, 11:17 - Chia sẻ
Trong bối cảnh xứ sở cờ hoa phải đối mặt với số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục và người tử vong vì đại dịch này trên toàn thế giới vượt quá 540.000 người, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã chính thức thông báo lên Liên Hợp Quốc (LHQ) về quyết định Mỹ sẽ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Không nói suông

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận với CNN rằng, Nhà Trắng đã đệ trình thư thông báo chính thức về việc rút khỏi WHO có hiệu lực vào ngày 6.7.2021. Được biết, bức thư trên đã được gửi cho các nhà lập pháp Quốc hội Mỹ cũng như Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, bởi WHO là tổ chức trong hệ thống LHQ chịu trách nhiệm về lĩnh vực y tế toàn cầu.

Nguồn: AFP

Thực ra, người đứng đầu Nhà Trắng từng chỉ trích không tiếc lời về cách xử lý đại dịch Covid-19 của WHO trong một bức thư dài 4 trang công bố vào tháng 5. Lúc đó, ông tuyên bố, Mỹ đang đình chỉ các quỹ đóng góp của  nước này cho cơ quan y tế toàn cầu trong bối cảnh Nhà Trắng tiến hành điều tra về phản ứng của WHO đối với Covid-19. Mỹ cáo buộc WHO cho phép Chính phủ Trung Quốc che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch và "cúi đầu" trước ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Tổng thống Donald Trump viết: “WHO đã thất bại trong việc điều tra độc lập các báo cáo vốn mâu thuẫn trực tiếp với dữ liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc, thậm chí ngay cả báo cáo đến từ các nguồn trong chính Vũ Hán”. “Trong suốt cuộc khủng hoảng, WHO kiên quyết ca ngợi sự minh bạch của Trung Quốc”. Sau này, các thành viên WHO cuối cùng đã đồng ý đánh giá độc lập về phản ứng đối với virus Corona toàn cầu. Mới đây, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cử các chuyên gia đến Trung Quốc để tiến hành nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn về cách thức virus SARS-Cov-2 lây truyền sang người.

Không dễ thành hiện thực?

Mặc dù chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã chính thức thông báo, nhưng việc Mỹ rút khỏi WHO chỉ có hiệu lực vào năm sau, nghĩa là nó hoàn toàn có thể bị hủy nếu như hoàn cảnh thay đổi hoặc ông không thể tái cử và Mỹ có chính quyền mới.

Mới đây, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, cho biết ông sẽ đảo ngược quyết định của Tổng thống Trump trong ngày đầu tiên nhậm chức nếu đắc cử. Ông Biden từng lên tiếng luôn ủng hộ WHO và nay ông tiếp tục khẳng định niềm tin đó. Ông nói: “Người Mỹ an toàn hơn khi Mỹ tham gia vào việc củng cố y tế toàn cầu. Nếu đắc cử, vào ngày làm việc đầu tiên, tôi sẽ đưa nước Mỹ tái gia nhập WHO và khôi phục vai trò lãnh đạo của chúng ta trên trường quốc tế”. Hiện đương kim Tổng thống xếp sau cựu Phó Tổng thống trong nhiều cuộc thăm dò dư luận và đang tìm cách làm chệch hướng chỉ trích về cách xử lý đại dịch của chính quyền đương nhiệm bằng cách tấn công mạnh vào Trung Quốc và WHO.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric cho biết, ông Guterres đang trong quá trình xác minh với WHO rằng liệu tất cả điều kiện rút khỏi tổ chức của Mỹ có được đáp ứng hay không. Theo các điều khoản rút khỏi WHO, Mỹ phải đáp ứng mọi nghĩa vụ tài chính của mình với cơ quan này trước khi hoàn tất quá trình ra đi. Mỹ đang nợ WHO khoảng 200 triệu USD các khoản phí.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi WHO đang nhận về vô số lời chỉ trích của các nghị sĩ và quan chức y tế trong nước. Mỹ là quốc gia đóng góp lớn nhất cho WHO với khoảng 450.000 triệu USD/năm. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo, việc Mỹ rút khỏi tổ chức này sẽ gây tổn hại không chỉ cho người Mỹ mà cả thế giới, bởi vì rất nhiều quốc gia khác đang dựa vào WHO như là trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của mình.

Thượng nghị sĩ Patty Murray trong một phát biểu trên NBC News nhận định: “Đây là sự thoái vị trên cương vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, trái ngược với việc đặt nước Mỹ lên hàng đầu. Và nó sẽ khiến nước Mỹ gặp nguy hiểm”. Ông nói thêm, “việc từ chối hợp tác với các đối tác trên khắp thế giới để chống lại đại dịch sẽ chỉ kéo dài cuộc khủng hoảng, làm suy yếu vị thế quốc tế của đất nước và khiến Mỹ ít có sự chuẩn bị hơn cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai”.

Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện, Lamar Alexander cũng không đồng tình với quyết định trên. “Chắc chắn phải có cái nhìn khách quan về sai lầm mà WHO có thể mắc phải liên quan đến virus Corona, nhưng thời gian làm điều đó là sau khi cuộc khủng hoảng đã được xử lý, chứ không phải giữa khủng hoảng”.  Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lên án mạnh mẽ động thái này khi tuyên bố “quyết định chính thức rút Mỹ khỏi WHO của Tổng thống là một hành động vô cảm thực sự. Với hàng triệu mạng sống đang lâm nguy, Tổng thống đang làm tê liệt nỗ lực quốc tế để đánh bại virus”.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thì cho rằng, hành động của Tổng thống không bảo vệ sinh mạng hay lợi ích của người Mỹ mà khiến người Mỹ bị ốm thêm trong khi đất nước trở nên cô độc. Chủ tịch Quỹ LHQ (UN Foundation) Elizabeth Cousens thậm chí gọi hành động của Tổng thống Donald Trump là “thiển cận, không cần thiết và đặc biệt nguy hiểm, vì WHO là cơ quan duy nhất có khả năng lãnh đạo và điều phối phản ứng toàn cầu đối với Covid-19. Chấm dứt quan hệ của Mỹ với WHO sẽ làm suy yếu nỗ lực toàn cầu để đánh bại đại dịch, đồng thời khiến mọi người gặp nguy hiểm”.

Nhiều nhà quan sát khác lại nhận định, Mỹ nên sử dụng ảnh hưởng của mình để củng cố và cải tổ WHO thay vì từ bỏ đúng vào thời điểm thế giới cần cơ quan này nhất.

Thái Anh