Cuộc cách mạng mới

- Thứ Bảy, 15/02/2020, 07:52 - Chia sẻ
Sau khi con thuyền Anh đã rời bến Liên minh châu Âu (EU) cuối tháng 1 với hành trình Brexit đầy trắc trở, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã quyết định làm một cuộc cách mạng mới, cải tổ toàn diện Nội các để giúp xứ sở sương mù đứng vững và vươn lên.

Người ra, người vào

Gần một chục vị trí thay đổi trong Nội các Anh sau đợt cải tổ mới nhất. Tuy nhiên, nhìn chung, các thay đổi đó được đánh giá là ôn hòa chứ không phải là đợt điều chỉnh sâu rộng bộ máy. Các Bộ trưởng phải “trả ghế” gồm: Bộ trưởng Kinh doanh Andrea Leadsom, Bộ trưởng Môi trường Theresa Villiers, Bộ trưởng Nhà ở Esther McVey, Tổng Chưởng lý Geoffrey Cox… Trong khi đó, ông Alok Sharma được thăng chức làm tân Bộ trưởng Kinh doanh, cũng như được giao phụ trách công tác chuẩn bị của Anh cho Hội nghị Môi trường COP 26 dự kiến được tổ chức vào tháng 11 tới tại Glasgow. Tiếp đến, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anne-Marie Trevelyan gia nhập Nội các với tư cách Bộ trưởng Phát triển quốc tế; ông Oliver Dowden trở thành Bộ trưởng Văn hóa; ông George Eustice được bổ nhiệm làm tân Bộ trưởng Môi trường; cựu Bộ trưởng phụ trách Brexit, bà Suella Braverman trở lại Chính phủ với vai trò Tổng Chưởng lý; cựu Bộ trưởng Quốc phòng Penny Mordaunt cũng về làm Bộ trưởng Kho bạc. Ngoài ra, bà Amanda Milling được bảo đảm gia nhập Nội các với vị trí tương đương hàm Bộ trưởng vì đang giữ vai trò Chủ tịch đảng Bảo thủ.

Vẫn có hai vị trí bị thay mới gây bất ngờ không nhỏ. Đó là Bộ trưởng phụ trách vùng Bắc Ireland Julian Smith bị sa thải và người thay thế là ông Brandon Lewis. Động thái này được cho là sẽ tạo thêm chia rẽ giữa London và chính quyền ở Belfast. Bởi ông Julian chính là nhân vật có công lớn trong việc khôi phục Chính phủ chia sẻ quyền lực tại Bắc Ireland hồi tháng trước, sau 3 năm đổ vỡ. Giới phân tích nhận định, chắc chắn sự ra đi của ông sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán tương lai giữa Anh và EU, vì Bắc Ireland luôn là chủ đề quan trọng trong các nội dung đàm phán.

Một diễn biến bất ngờ khác là việc Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid đột ngột từ chức, chỉ 1 tháng trước thời điểm công bố kế hoạch ngân sách thường niên của Chính phủ. Người thay thế là ông Rishi Sunak, vốn được xem là người quyền lực thứ hai ở Bộ Tài chính sau ông Javid. Trước đó, Thủ tướng Johnson đã yêu cầu Bộ trưởng Javid phải sa thải những trợ lý thân cận của mình, thay bằng các cố vấn do số 10 Phố Downing chọn nếu muốn giữ ghế. Tuy nhiên, ông Javid thẳng thừng từ chối những điều kiện mà theo mình là “không thể chấp nhận được”. Ở Anh, Bộ Tài chính là bộ có quyền lực nhất trong Chính phủ, người đứng đầu Bộ này thậm chí được coi là chính khách quan trọng thứ hai, chỉ sau Thủ tướng.

Theo nhiều nhà quan sát, diễn biến trên có thể khiến quyền lực được tập trung nhiều hơn vào tay Thủ tướng. Bởi tân Bộ trưởng Tài chính Sunak không có nhiều kinh nghiệm như người tiền nhiệm, trong khi ông Johnson đang muốn sáp nhập đội tư vấn của Bộ Tài chính và đội tư vấn của Thủ tướng, bước đi có thể thay đổi lâu dài cách điều hành của Anh. Được biết, đội ngũ thành viên tham gia Ban tư vấn kinh tế này sẽ được triển khai trong vài tuần tới.

Nhiệm vụ nặng nề

Có rất nhiều việc mà Chính phủ mới của Anh sẽ phải làm trong năm nay khi đặt mục tiêu chú trọng đến các vấn đề đối nội, từ đầu tư cho an ninh, y tế, đến hạ tầng. Mới đây, Thủ tướng Johnson đã bật đèn xanh cho việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc mới trị giá ước tính lên tới hơn 100 tỷ bảng Anh. Bên cạnh đó, ông chủ căn nhà số 10 phố Downing còn cam kết sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các vùng ở Anh có tốc độ tăng trưởng còn kém quá xa London và các thành phố lớn khác. Chính vì muốn tập trung làm tốt các công việc như thế, mới đây Thủ tướng Anh thậm chí đã quyết định hoãn kế hoạch hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump đến tháng 6. Trước đó, ông Trump đã mời ông Johnson tới thăm Nhà Trắng vào đầu năm để thảo luận thỏa thuận thương mại mới sau khi Anh rời EU. Ngoài ra, kế hoạch công du của Thủ tướng Boris Johnson tới Australia và New Zealand cũng bị hoãn.

Hiện nay, thách thức mới nhất liên quan đến việc xáo trộn Nội các là sự hoài nghi của nhiều người về chính sách kinh tế tới đây của Vương quốc Anh. Như đã nói ở trên, mặc dù ông Rishi Sunak được giao trọng trách “cầm cân, nảy mực” Bộ Tài chính, nhưng người phát ngôn của Thủ tướng vẫn chưa thể xác nhận ngân sách sẽ được giữ vào ngày 11.3 hay Chính phủ sẽ tuân thủ các quy tắc tài chính của người tiền nhiệm Javid? Các quy tắc tài chính do ông Javid đưa ra cho phép chi thêm 20 tỷ bảng Anh (khoảng 26 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng nhưng yêu cầu chi tiêu hàng ngày và doanh thu phải được cân bằng trong vòng 3 năm.

Mới đây, theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia, nền kinh tế Vương quốc Anh đã rơi vào trì trệ trong quý cuối năm 2019 khi mà tốc độ tăng trưởng được ghi nhận ở mức 0 so với cùng kỳ năm 2018. Có lẽ, những bế tắc chính trị lúc đó đã khiến hoạt động đầu tư kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh. Thực tế, kinh tế đất nước sương mù đã liên tiếp vận hành kém kể từ năm 2016, lúc cuộc trưng cầu dân ý về Brexit được tổ chức, thậm chí tình trạng đó từng mấy lần làm cho nước này rơi vào mấp mé bờ vực suy thoái.

Bên cạnh những vấn đề trong nước, các thỏa thuận đối ngoại hậu Brexit cũng hứa hẹn đem lại đau đầu cho tân Nội các. Cụ thể là, Vương quốc Anh sẽ phải dùng khoảng thời gian từ nay đến cuối năm đàm phán một loạt thỏa thuận thương mại mới với nhiều phần còn lại của thế giới. Đứng đầu danh sách có thỏa thuận với EU tại cuối thời kỳ chuyển đổi diễn ra vào 31.12.2020. Hiện nay, tuy Brexit đã kết thúc nhưng Vương quốc Anh sẽ vẫn còn trong thị trường nội bộ EU và Liên minh hải quan tới hết năm 2020. Bên cạnh đó, mặc dù không có hạn chót ngặt nghèo, Anh vẫn muốn kết thúc hiệp định thương mại với Mỹ trong thời gian này. Ngoài ra, chính quyền London còn cần đàm phán tiếp với khoảng 72 quốc gia vốn có liên quan đến 40 thỏa thuận thương mại tự do FTA của EU. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Vương quốc Anh đã tuyên bố mong muốn hiện thực hóa thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Với khối lượng công việc đồ sộ kể trên, sức ép lên Chính phủ vừa được cải tổ là không nhỏ, nhưng giờ nước Anh sẽ chỉ có thể tiến lên chứ không được lùi bước.

Ngọc Minh