Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Cứng rắn nhưng cũng phải nhân văn

- Thứ Bảy, 12/09/2020, 04:45 - Chia sẻ
Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chiều 11.9 vẫn chưa thể hiện rõ cách tiếp cận mới đối với người nghiện ma túy. Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị cần thay đổi cách tiếp cận. Cụ thể, người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy cần được xác định là người có hành vi vi phạm pháp luật. Đề xuất này đã nhận được sự đồng thuận của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ảnh: Quang Khánh

"Năm 2008, khi xem xét, thông qua Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, từ “bệnh” được đưa ra để các đại biểu Quốc hội biểu quyết riêng. Thời điểm đó, quan điểm của chúng ta coi đây là vi phạm pháp luật, nhưng lại "quá bán" một chút biểu quyết là "người bệnh", từ Quốc hội Khóa XII. Hay, người vận chuyển ma túy có bị tử hình hay không, lúc bấy giờ cũng phải biểu quyết, không "quá bán" là chịu. Bây giờ chúng ta phải có thái độ khẳng định và nâng cấp để xử lý nghiêm khắc hơn. Người nghiện ma túy, sử dụng trái phép ma túy là những người có hành vi vi phạm pháp luật cho nên quan điểm xử lý theo hướng duy trì xử phạt vi phạm hành chính theo từng cấp độ và nâng cấp độ, có biện pháp quản lý tại cộng đồng trong thời gian nhất định, kết hợp với biện pháp giúp đỡ của chính quyền địa phương, của xã hội, của cộng đồng và gia đình. Người nghiện ma túy khi đã hoàn thành chương trình cai nghiện về hòa nhập cộng đồng cũng phải có đánh giá của cộng đồng, khi đó Mặt trận và các đoàn thể phải phát huy vai trò".

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng

Phải quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy

Bên cạnh ma túy truyền thống, đã và đang xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp. Điều gây lo ngại hơn cả là, có những người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi, gây ra các vụ thảm án, khiến dư luận xã hội hoang mang. Trong khi đó, Luật Phòng, chống ma túy hiện hành chưa quy định việc quản lý đối tượng này. Tờ trình của Chính phủ chỉ rõ, công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, tại dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Chính phủ đã bổ sung một chương về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được quy định là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cũng được khẳng định rõ “không phải là biện pháp xử lý hành chính”.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật này, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, khi người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật nên quan điểm đối xử với họ cũng cần theo hướng: Duy trì xử phạt vi phạm hành chính đối với việc sử dụng trái phép chất ma túy; có biện pháp quản lý tại cộng đồng trong thời gian nhất định, kết hợp các biện pháp giúp đỡ của chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy đã hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy khi trở về cộng đồng; đa dạng hóa hình thức cai nghiện, thực hiện các phương thức cai nghiện phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Trước quan điểm khác nhau của cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu thực tế, trong một thôn, xã, phường hay gia đình nào đó có người nghiện ma túy thì đúng là một điều khủng hoảng, lo lắng của cộng đồng dân cư. Người nghiện thì vô vọng, không có lối thoát, bởi vì việc cai nghiện ma túy vô cùng phức tạp, như “bắt cóc bỏ đĩa”. Số người nghiện cai được nghiện trên thực tế rất ít, phần lớn cai nghiện không thành công. Vậy thì chúng ta nên đặt người nghiện ma túy vào vị trí nào?

Đặt câu hỏi này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích, nếu đặt họ vào vị trí của người bệnh thì không phù hợp, vì sức khỏe không bị giảm sút, chỉ nghiện ma túy. Nếu xác định người nghiện là tội phạm cũng có vấn đề nhân đạo, chưa kể nhiều quốc gia nhìn nhận người nghiện ở mức độ rất nhân đạo. Vậy, người nghiện ma túy có vi phạm pháp luật không, khi hành vi sử dụng trái phép ma túy bị nghiêm cấm trong pháp luật hiện hành? Dù đối xử với người nghiện phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân, có tính nhân đạo, nhưng vẫn phải xử lý cho tốt. Từ quan điểm này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, khi sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy phải cứng rắn, chặt chẽ và cương quyết hơn.

Trị từ gốc

Cuộc chiến với tình trạng nghiện ma túy được nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh là vất vả và không đơn giản. Từ thực tế từng theo dõi công tác này ở cơ sở, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý, việc cai nghiện ma túy thành công là rất khó, chỉ có thể tiến hành cắt nghiện nhanh. Do vậy, cần trị nguyên nhân từ gốc để tổng lực giáo dục, tuyên truyền, không phải để sau khi nghiện mới xử lý.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy hiện hành cần hướng đến mục tiêu: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tham gia vào việc kiềm chế và ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, xóa bỏ triệt để các tổ chức, đường dây, tụ điểm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy trong nước; ngăn chặn hiệu quả nguồn ma túy từ nước ngoài vào nước ta và kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế; nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, nâng cao hiệu quả quản lý sau cai nghiện để làm giảm số người nghiện ma túy; quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cần khẳng định rõ, việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy hiện hành nhằm bảo đảm việc phòng, chống và kiểm soát ma túy vừa là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của các cấp ủy đảng và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, bền bỉ. Đây cũng là nhiệm vụ vừa phải làm quyết liệt, quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, vừa phải rất nhân văn. Với cách tiếp cận này, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, phải coi người sử dụng trái phép ma túy, người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật. Việc "nâng cấp" quan điểm về người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép ma túy là để xử lý nghiêm khắc hơn.

Lê Bình