Hệ thống ủy ban của Nghị viện Ấn Độ

Củng cố lòng tin

- Thứ Bảy, 30/07/2016, 08:12 - Chia sẻ
Hoạt động của hệ thống ủy ban, đặc biệt là các ủy ban giám sát bộ, ngành, được đánh giá cao về tính hiệu quả, góp phần giữ vững và củng cố lòng tin của dân chúng với thiết chế nghị viện.

Hệ thống ủy ban của Nghị viện Ấn Độ nhận được nhiều lời khen về tính hiệu quả trong thực hiện chức năng giám sát. Trong đó, hệ thống ủy ban giám sát các bộ, ngành, vốn là một sản phẩm của nền lập pháp Anh, đã đạt nhiều thành tựu đáng kể kể từ khi được khai sinh từ năm 1993. Những ủy ban này đã tạo nên một diễn đàn nơi các nghị sĩ từ các đảng phái khác nhau có thể bày tỏ chính kiến của mình. Điều này đặc biệt có ích khi tranh luận tại Nghị viện trở nên quá căng thẳng do những khác biệt về đảng phái. Nhiều khi các ủy ban này trở thành “trọng tài phân xử” trong những cuộc tranh luận, bởi khi tham gia các ủy ban giám sát bộ, ngành, các nghị sĩ không phải tuân theo quan điểm của đảng mình.

Nhiều lời góp ý mang tính xây dựng cũng như các khuyến nghị đáng quan tâm được đưa ra bởi các ủy ban được chính các bộ trưởng đánh giá cao. Các ủy ban ở phương diện này đóng vai trò như một bên tư vấn đáng tin cậy cho Chính phủ trong việc điều chỉnh cách quản lý và lập ra các chương trình, kế hoạch và kế hoạch ngân sách cụ thể vì lợi ích của nhân dân. Những khuyến nghị của các ủy ban liên quan đến nghị viện được tiếp nhận ở nhiều khía cạnh. Không chỉ vì ràng buộc bởi quy định, mà chính bởi nội dung của các khuyến nghị, Chính phủ thường tiếp thu và có những động thái phù hợp. Có rất ít trường hợp Chính phủ, mà phải có lý do hợp lý, không làm theo khuyến nghị từ các ủy ban.

Có khá nhiều ví dụ cho thấy các vấn đề được các ủy ban giám sát xem xét đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan điểm và chính sách của Chính phủ. Ví dụ gần đây, nhiều sửa đổi lớn đã được Ủy ban Khoa học và Công nghệ, Môi trường và rừng đưa vào trong dự thảo Luật Bồi thường thiệt hại dân sự liên quan đến vấn đề hạt nhân vào năm 2010. Chính phủ rất đồng tình với những sửa đổi này và cuối cùng dự thảo đã được thông qua với đa số phiếu. Một trong những khuyến nghị quan trọng Ủy ban trên đưa ra liên quan đến trách nhiệm của bên vận hành cơ sở hạt nhân. Ủy ban nhấn mạnh rằng nguyên tắc bên vận hành phải chịu trách nhiệm dù không có lỗi trong sự việc phải được thể hiện rõ ràng trong dự thảo và trách nhiệm của bên vận hành nên được nâng từ 5 tỷ rupee lên 15 tỷ rupee. Một ví dụ khác liên quan tới rác thải điện tử từng được Ủy ban xem xét. Sau khi Ủy ban chọn vấn đề này để giám sát, Bộ Môi trường và rừng đã phải cẩn trọng hơn khi soạn thảo các quy định về quản lý và điều phối rác thải công nghệ. Có thể nói, Ủy ban đã lôi kéo được sự chú ý vào vấn đề có tầm vóc của một cuộc khủng hoảng ở các nước phát triển trong khi tại Ấn Độ lại chưa được quan tâm đúng mức. Ủy ban Dân nguyện đã xem xét vấn đề ô nhiễm nước và không khí ngay từ những năm 1970. Trong báo cáo số 52, Ủy ban tập trung phân tích tình hình ô nhiễm nước và không khí tại thị trấn Orissa do quá trình xả chất thải công nghiệp của một nhà máy hóa chất. Trong đó, Ủy ban đã khuyến nghị Hội đồng Kiểm soát và phòng chống ô nhiễm nước quốc gia ngay lập tức thu thập, tập hợp và tổng hợp các dữ liệu kỹ thuật liên quan đến ô nhiễm nước, cũng như về các thiết bị hiệu quả trong kiểm soát và phòng chống ô nhiễm, đồng thời khuyến nghị Chính phủ ban hành quy định rằng các khoản chi của các tổ chức sản xuất công nghiệp cho giám sát ô nhiễm phải được ghi thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm, và mọi vi phạm của quy định này sẽ bị coi là vi phạm cam kết ban đầu trong giấy phép sản xuất công nghiệp.

Sự quan tâm nhiều mặt của giới truyền thông đối với các báo cáo của các ủy ban Nghị viện, cũng như các buổi thảo luận có sự tham gia của các chuyên gia, học giả và người dân có lẽ là chỉ dấu rõ ràng nhất về tầm quan trọng và hiệu quả hoạt động của các ủy ban giám sát bộ, ngành trong hệ thống ủy ban nói chung. Với những báo cáo và khuyến nghị chất lượng, giới truyền thông cho rằng, hoạt động của các ủy ban giám sát bộ, ngành đã thay đổi thái độ thờ ơ hoặc phản đối của một bộ phận người dân, góp phần giữ vững và củng cố lòng tin của dân chúng với thiết chế nghị viện. 

Ngọc Điệp