Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

“Cung” chưa khớp với “cầu”

- Thứ Bảy, 10/08/2019, 07:50 - Chia sẻ
Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp ngày càng tăng nhưng “cung” chưa khớp với “cầu” do vẫn tồn tại một khoảng trống về năng lực. Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn” ngày 9.8, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục coi trọng việc hỗ trợ đào tạo tại các doanh nghiệp, hợp tác xã và các dạng thực hành tại nơi sản xuất.

“Có một khoảng trống về năng lực”

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hỗ trợ đào tạo cho gần 1,15 triệu lao động, đạt 75% kế hoạch. Sau học nghề, gần 873 nghìn lao động (84%) đã có việc làm mới hoặc nâng cao hiệu quả của việc làm cũ. Từ năm 2016 - 2019, có 1,15 triệu lao động nông thôn được đào tạo, đạt 82% kế hoạch của giai đoạn. Các địa phương đã lựa chọn các ngành nghề đáp ứng yêu cầu của nông dân, chú trọng các ngành nghề chủ lực, là thế mạnh gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; gắn đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, mô hình khuyến nông, dự án phát triển sản xuất tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Việc đào tạo cơ bản bảo đảm mục tiêu về số lượng lao động được đào tạo nghề quy định trong Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Quyết định số 971/QD-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo. Cụ thể, năm 2008 đạt 12%, năm 2016 đạt 34,14%, năm 2018 là 38,6%. Một số địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo khá cao như Hậu Giang 64%, Phú Yên 60%... Tuy nhiên, nhân lực lao động trong nông nghiệp đang diễn ra tình trạng “cung” chưa khớp với “cầu”, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, hiện nay, cơ cấu nghề đang bất hợp lý. Tỷ lệ học nghề thấp trong khi lao động qua đại học rất cao dẫn tới tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Do đó, Việt Nam vẫn phải tiếp tục cải tiến đào tạo để cơ cấu nghề thay đổi. Ngoài ra, phải khuyến khích niềm đam mê yêu kinh doanh nông nghiệp của các em học sinh, sinh viên ngay trong nhà trường. Đã có thời gian dài, mọi người có nhận thức rằng lĩnh vực nông nghiệp chậm phát triển, năng suất thấp… khiến cho ngành nông nghiệp không thu hút được nguồn nhân lực. Nhà trường đã làm tốt về kiến thức kỹ thuật nhưng về mảng kỹ thuật gắn với kinh doanh, gắn với thực tiễn lại chưa được chú trọng. Vì vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh việc ứng dụng vào thực tiễn hơn nữa.

Cùng quan điểm trên, đại diện Hội Khoa học Phát triển Nông thôn cho rằng, trình độ nguồn nhân lực và lao động nông thôn rất thấp đã và đang ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận khoa học - công nghệ trong lĩnh vực này. Những vùng, miền kinh tế kém phát triển thường thiếu kinh phí đào tạo, chủ yếu trông chờ ngân sách trung ương, hay từ các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ. Ðây chính là rào cản lớn trong việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. “Rõ ràng có một khoảng trống về năng lực, cần được gấp rút bù đắp, nếu không nông dân sẽ bị mất cơ hội hội nhập, thu nhập của nông dân sẽ thấp, khả năng chuyển đổi nghề khi bị mất đất hoặc cơ hội tham gia vào môi trường lao động công nghiệp đòi hỏi các kỹ năng và tính kỷ luật lao động cao là không dễ dàng”, đại diện Hội Khoa học Phát triển Nông thôn nói.

Cần hỗ trợ đào tạo tại doanh nghiệp

Về hình thức đào tạo, ông Lê Đức Thịnh cho rằng, cần tiếp tục coi trọng việc hỗ trợ đào tạo tại các doanh nghiệp, hợp tác xã và các dạng thực hành tại nơi sản xuất là chính; khuyến khích xã hội hóa và nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề. Mỗi địa phương có từ 1 - 2 đơn vị đào tạo gắn với thực tiễn, theo nhu cầu đặt hàng của địa phương.

Năm 2020 cần xây dựng bộ dữ liệu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong bối cảnh đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của ngành trong giai đoạn 2021 - 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng chương trình, tài liệu khung với nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn về sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, ưu tiên các chương trình đào tạo về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số và khởi nghiệp cho lao động trẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam Vũ Anh Tuấn cho biết, mỗi năm công ty có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động, trong đó hơn 60% nguồn nhân lực chất lượng cao. Công ty đã chủ động đặt hàng các cơ sở đào tạo và trường đại học trong nước theo hợp đồng liên kết đào tạo. Trong quá trình đào tạo, công ty tạo điều kiện để sinh viên thực hành tại cơ sở, trang trại để các em nắm bắt được công nghệ, hiểu biết về ngành nghề mà sau này mình gắn bó. Theo ông Vũ Anh Tuấn, để mối liên kết đào tạo bền vững, công tác dự báo thị trường lao động cần phải được đẩy mạnh, cập nhật cho các cơ sở giáo dục đào tạo. Khi đó mới sớm có được nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi về nghiệp vụ, thành thạo ngoại ngữ và có kỹ năng mềm tốt, khả năng hợp tác cao.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp, Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, cần tập trung đào tạo cho lao động nông thôn theo nhu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện nay. Ưu tiên đào tạo nghề theo quy chuẩn, đào tạo nghề chế biến, bảo quản thực phẩm. Tăng cường đào tạo nghề dài hạn, tăng số thời gian thực hành nghề tại các doanh nghiệp, trang trại… Đa dạng hình thức dạy nghề, đổi mới nội dung dạy, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với cơ sở đào tạo nghề.

Bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động, Phó Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhấn mạnh, ngành nông nghiệp có rất nhiều đặc thù về đào tạo nghề, do đó đòi hỏi tính liên hệ và hợp tác giữa các cơ quan khác nhau trong đào tạo nghề ở khu vực nông nghiêp và nông thôn rất quan trọng. Cụ thể, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các trường nghề, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tham gia vào trong quá trình phát triển xây dựng kỹ năng nghề. Cần nhấn mạnh vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong đào tạo nghề hay phát triển kỹ năng nghề.

Bài và ảnh: Tuệ Anh