Hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang

Cung cấp đầy đủ thông tin, bằng chứng khách quan

- Thứ Năm, 15/08/2019, 07:32 - Chia sẻ
Trên thực tế, các vấn đề Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang yêu cầu giải trình đã góp phần không nhỏ tháo gỡ khó khăn trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nhiều nội dung yêu cầu giải trình đã được giải quyết dứt điểm. Kinh nghiệm cho thấy, bên cạnh chuẩn bị kỹ để lựa chọn đúng, trúng vấn đề yêu cầu giải trình, mọi ý kiến trong phiên giải trình cần được trao đổi kỹ, có cơ sở nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, bằng chứng khách quan, số liệu chính xác về các nội dung liên quan.

Nhiều nội dung yêu cầu giải trình được giải quyết dứt điểm

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của HĐND tỉnh giữa hai kỳ họp, tăng cường trách nhiệm của UBND tỉnh, các sở, ngành trong giải quyết những tồn tại trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang đã quan tâm lựa chọn các vấn đề bức xúc trong phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đời sống nhân dân; các vấn đề còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập giữa các cấp, các ngành... cần nhiều ngành, nhiều cấp giải quyết để tổ chức các phiên giải trình.

Thực tế, việc xem xét, lựa chọn các nhóm vấn đề để đưa ra yêu cầu giải trình là những nội dung còn nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước cần sớm có giải pháp xử lý kịp thời, đồng bộ và hiệu quả như: Việc chậm bàn giao các công trình đầu tư của Nhà nước trong chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020; trách nhiệm của các ngành chức năng và UBND cấp huyện trong việc tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng các công trình thủy điện không phù hợp với thực tế, dẫn đến phải trình HĐND tỉnh ra nghị quyết điều chỉnh bổ sung nhiều lần; tình trạng chậm quyết toán các công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành; việc chậm giải ngân nguồn vốn và chậm tiến độ triển khai xây dựng các công trình thuộc Chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học (giai đoạn 2017 - 2020) trên địa bàn...


Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang tổ chức phiên giải trình đối với UBND tỉnh và một số sở, ngành liên quan
Ảnh: Biện Luân

Sau khi xác định được nội dung, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành kế hoạch, thông báo nội dung yêu cầu giải trình đối với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan 10 ngày trước khi phiên giải trình được tổ chức; đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn chuẩn bị các nội dung để trả lời tại phiên giải trình và gửi về Thường trực HĐND tỉnh. Đề nghị các ban, các tổ đại biểu và mỗi cá nhân đại biểu hoạt động chuyên trách chuẩn bị nội dung, tài liệu liên quan đến phiên giải trình, chuẩn bị nội dung, câu hỏi yêu cầu các thành viên UBND tỉnh trả lời; đề nghị các ban của HĐND tỉnh tổ chức khảo sát tình hình liên quan đến nội dung giải trình (nếu thấy cần thiết).

Trong phiên giải trình, Chủ tọa đã tạo không khí dân chủ, gợi mở để đại biểu thẳng thắn nêu yêu cầu giải trình, người có trách nhiệm giải trình vấn đề được yêu cầu, thống nhất giải pháp tháo gỡ, khắc phục tồn tại, hạn chế. Mỗi đại biểu HĐND tỉnh tham gia phiên giải trình phát huy thẩm quyền trong việc yêu cầu cung cấp thông tin theo luật định; thể hiện rõ vị thế, vai trò; bám sát vấn đề để làm rõ, tranh luận để đạt được mục đích của phiên giải trình.

Kết thúc phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành kết luận đánh giá rõ ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, trách nhiệm và lộ trình để UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết; đồng thời, giao cho Văn phòng HĐND tỉnh theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện. Qua các phiên giải trình cho thấy, các nhóm vấn đề được lựa chọn để yêu cầu giải trình là xác đáng, phù hợp với thực tế, được cử tri và nhân dân ở địa phương quan tâm. Thủ trưởng các cơ quan chức năng, thành viên UBND tỉnh giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu nêu ra; nhận trách nhiệm và có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong thời gian tới.

Trên thực tế, các vấn đề Thường trực HĐND, đại biểu HĐND yêu cầu giải trình góp phần không nhỏ vào việc tháo gỡ khó khăn trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; giải quyết kiến nghị, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua theo dõi, 60% nội dung yêu cầu giải trình đã được giải quyết dứt điểm, 16% nội dung đang được giải quyết, 24% nội dung đã được giải quyết nhưng chưa xong dứt điểm.

Tăng cường hiệu quả, hiệu lực giám sát

Cũng như hoạt động chất vấn, hoạt động giải trình nếu được tổ chức tốt và thường xuyên sẽ có ý nghĩa và tác dụng quan trọng, góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực giám sát của HĐND. Vì vậy, việc thường xuyên tổ chức phiên giải trình là một trong các giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Quá trình triển khai phải thực hiện tốt công tác phối hợp với các Ban HĐND tỉnh để tổ chức tốt các khâu chuẩn bị như lựa chọn chủ đề, xây dựng kế hoạch, nội dung quá trình thực hiện.

Để tổ chức thành công phiên giải trình, khâu quan trọng trước hết là cần chuẩn bị kỹ để lựa chọn đúng, trúng vấn đề yêu cầu giải trình; lựa chọn theo chuyên đề, không dàn trải; đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề “nóng” liên quan đến đời sống của người dân. Từ đó xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung, tư liệu, mời thành phần tham dự; xây dựng chương trình… Tất cả khâu này nếu thực hiện tốt, chuẩn bị chu đáo thì phiên giải trình sẽ thành công và đạt hiệu quả như mong muốn.

Bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong hoạt động giải trình, mọi ý kiến trong phiên giải trình cần được trao đổi kỹ, có cơ sở, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, bằng chứng khách quan, số liệu chính xác về các nội dung liên quan. Nội dung giải trình và các ý kiến trao đổi cũng chính là nguồn thông tin rất cần thiết phục vụ cho hoạt động giám sát, thẩm tra; đồng thời giúp cơ quan, cá nhân giải trình phát huy những mặt mạnh, khắc phục sửa chữa kịp thời những hạn chế, khuyết điểm, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Sau giải trình, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng thường xuyên theo dõi, đôn đốc hoặc tham mưu cho Thường trực HĐND phân công các Ban HĐND tỉnh theo dõi, giám sát việc thực hiện. Trường hợp cơ quan, cá nhân không thực hiện, hoặc thực hiện chậm trễ, không đầy đủ, Thường trực HĐND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

PHƯƠNG LAN