Diễn đàn Sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội - Những vấn đề đặt ra

Cử tri mong muốn gì ở Quốc hội?

- Thứ Bảy, 15/02/2020, 07:26 - Chia sẻ
Quá trình thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội trong mấy năm vừa qua đã bộc lộ một số vấn đề cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một cách căn cơ hơn. Tất nhiên, để sửa đổi được như vậy thì phải đánh giá tác động kỹ hơn, lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, đặc biệt là của các đại biểu Quốc hội đã tham gia Quốc hội trong nhiều nhiệm kỳ trước đây, những người không chỉ am hiểu luật pháp mà còn có thực tiễn hoạt động Quốc hội và lắng nghe thêm ý kiến của đồng bào cử tri đang mong muốn gì, yêu cầu gì ở Quốc hội... để từ đó soi rọi xem quy định pháp luật hiện nay trong Luật Tổ chức Quốc hội đã đáp ứng được hay chưa.

Tạo hành lang pháp lý mạnh hơn

Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, nên sửa đổi như thế nào cho hợp lý? Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định tỷ lệ ĐBQH chuyên trách không thấp hơn 35%. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật không cản trở việc bố trí tỷ lệ đại biểu chuyên trách cao hơn nên không nhất thiết phải sửa. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã thấy rằng, yêu cầu thực tiễn phải bố trí ĐBQH chuyên trách cao hơn thì tại sao lại không quy định ngay trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội để tạo hành lang pháp lý mạnh hơn, đồng thời cũng là cơ sở để chúng ta có quyết tâm trong việc bố trí nhân sự ứng cử bảo đảm tiêu chuẩn của ĐBQH chuyên trách để tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên? Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội lần này xem xét quy định trong Luật tỷ lệ ĐBQH chuyên trách phải cao hơn. Chúng ta quy định trong Luật thì sẽ có động lực, có hành lang pháp lý để phấn đấu tăng ĐBQH chuyên trách.


ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV
Ảnh: Quang Khánh

Đa phần ĐBQH chuyên trách hoạt động có hiệu quả. Thực tiễn hoạt động của Quốc hội đã cho thấy như vậy. Nhưng lý do không chỉ vì ĐBQH chuyên trách có toàn thời gian để hoạt động Quốc hội, có điều kiện để nghiên cứu chuyên sâu, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động mà còn bởi, trong thể chế chính trị của chúng ta, một người cán bộ, công chức có nhiều mối quan hệ ràng buộc cả về quy định của pháp luật cũng như quan hệ xã hội. Đôi khi chính những mối quan hệ ràng buộc đó, nếu không phải là đại biểu chuyên trách mà chỉ là đại biểu kiêm nhiệm, làm việc ở cơ quan này, cơ quan kia hay ở địa phương thì khi phát biểu cũng phải cân nhắc, có đụng chạm tới ai không, có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của cơ quan hay địa phương mình ứng cử hay không? Đó là tôi chưa nói đến những lợi ích cá nhân mà chỉ nói lợi ích của cơ quan, đơn vị thì đại biểu cũng đã bắt đầu phải suy nghĩ có nên nói hay không, nói như thế nào? Thực tế có chuyện này. Nhìn từ những khía cạnh như vậy, tôi cho rằng, một ĐBQH hoạt động chuyên trách có nhiều lợi thế để toàn tâm toàn ý trong hoạt động đại biểu.

Mặt khác, công việc của Quốc hội, của cá cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ ngày càng nhiều hơn chứ không ít đi. Mỗi người đảm nhiệm 2 vị trí, vừa làm nhiệm vụ chuyên môn vừa làm ĐBQH thì không thể nào bằng một ĐBQH chuyên trách được, rất khó. Nhiều ĐBQH kiêm nhiệm cũng muốn dành thời gian đi tiếp xúc cử tri, muốn dành thời gian để theo đuổi đến cùng các kiến nghị của cử tri, muốn tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH tốt hơn nhưng không có thời gian, công việc chuyên môn đã “ngập đầu” rồi. Để làm tốt cả nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, của đơn vị và nhiệm vụ của ĐBQH đòi hỏi phải giằng xé rất nhiều về mặt thời gian.

Với những lý do rất thực tiễn như vậy, tôi nghĩ rằng, để Quốc hội hoạt động ngày càng theo hướng chuyên nghiệp thì phải tăng ĐBQH chuyên trách lên.

Bộ phận chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội ít quá

Việc tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách cũng giúp Quốc hội có điều kiện để bố trí ĐBQH chuyên trách cho các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội. Hiện nay, 63 đoàn ĐBQH, mỗi đoàn có 1 ĐBQH chuyên trách, chưa kể thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... có 2 ĐBQH chuyên trách. Với tỷ lệ ĐBQH chuyên trách như vừa qua, chúng ta có đủ để bố trí cho các cơ quan của Quốc hội? Với vai trò đặc biệt quan trọng, các cơ quan của Quốc hội phải đủ lực để làm công tác thẩm tra, giám sát, chưa kể các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật. Theo tôi, các cơ quan của Quốc hội cũng phải đánh giá lại xem nguồn nhân lực hiện nay có đủ sức để thực hiện các nhiệm vụ được giao hay không và từ đó, xác định rõ có cần sửa đổi trong Luật hay không. Cá nhân tôi cho rằng, bộ phận hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hiện nay ít quá.

Luật Tổ chức Quốc hội hiện nay cũng đã quy định tương đối về vai trò của đoàn ĐBQH, ĐBQH chuyên trách, đặc biệt là ĐBQH chuyên trách làm Phó Trưởng đoàn ĐBQH ở địa phương. Tuy nhiên, lần này, tôi cũng mong muốn cụ thể hoá hơn nữa vấn đề này, nhất là làm rõ vị trí, mối quan hệ của Đoàn ĐBQH trong hệ thống chính trị ở địa phương như thế nào để tạo thuận lợi hơn cho đoàn ĐBQH trong công tác.

Bên cạnh đó, cũng cần xác định rõ hơn, ĐBQH chuyên trách hoạt động ở địa phương thì như thế nào? Được ai quản lý? Quản lý như thế nào? Ai sẽ quy hoạch? Ai sẽ làm công tác đào tạo cán bộ? Chế độ, chính sách ra sao?... Tôi nghĩ nên có quy định rất cụ thể về vấn đề này để có mối quan hệ phối hợp tốt, đồng thời cũng thấy rõ được vị trí, vai trò của ĐBQH, đặc biệt là ĐBQH chuyên trách. Tôi đề nghị nên tính đến công tác quản lý cán bộ, trong công tác đề bạt và luân chuyển cán bộ, tạo động lực cho cán bộ khi được bố trí làm ĐBQH chuyên trách, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tại địa phương.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh)
PV ghi