Cử tri lo ngại tình trạng trục lợi, lợi ích nhóm trong định giá

- Thứ Hai, 28/05/2018, 15:48 - Chia sẻ
Cổ phần hóa DNNN là xu hướng trong quá trình sắp xếp đổi mới DNNN, góp phần thúc đẩy DNNN phát triển, thu hút nguồn vốn từ nhân dân, giảm áp lực tài chính với Nhà nước. Chúng ta không thể phủ nhận đóng góp, vai trò của DNNN trong quá trình phát triển đất nước, xứng đáng là thành tố quan trọng trong thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của DNNN chưa được như mong đợi, còn hiện tượng thua lỗ.

Vấn đề cổ phần hóa DNNN được đặt ra, thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước, và thực hiện rộng rãi từ năm 2010. Từ nhiệm vụ được Nghị quyết của Đảng, của QH giao, Chính phủ đã ban hành 23 văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn giám sát. Các bộ, ngành ban hành nhiều văn bản thực hiện, đồng thời tích cực tổ chức thực hiện theo tinh thần Chính phủ kiến tạo và hành động. Quá trình thực hiện cổ phần hóa đã đạt được một số kết quả tích cực, bám sát định hướng, chủ trương của Đảng, và phân giao nhiệm vụ của QH. Hiện nay, đã thực hiện cổ phần hóa theo trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, hài hòa quyền lợi giữa nhà đầu tư - người lao động. Đã cổ phần hóa 571 DN, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN sau cổ phần hóa, giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn của nhà nước. Lợi nhuận trước thuế tăng, nộp ngân sách tăng, tổng tài sản tăng, thu nhập bình quân của người lao động tăng.

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) Ảnh: Vũ Lâm Hiển

Trong quá trình cổ phần hóa việc xác định giá trị DN trước cổ phần hóa có vai trò then chốt. Trong việc xác định giá trị DN không chỉ xác định giá trị tài sản hữu hình (đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị), mà còn xác định giá trị vô hình (thương hiệu, bản quyền kinh doanh, uy tín...). DN quốc phòng rất có uy tín với nhân dân vì chất lượng các sản phẩm dân dụng do họ sản xuất rất tốt. Uy tín thuộc về tài sản vô hình. Giá trị vô hình có ý nghĩa không nhỏ trong định giá giá trị DN. Việc định giá giá trị vô hình này trong thời gian qua còn lúng túng và có thể nói chưa hiệu quả, vì đây là vấn đề khó, cơ sở pháp lý chưa rõ, phương pháp định giá khó khăn. Để xử lý vấn đề này, mới đây, Chính phủ đã có hai nghị định xác lập bước đầu giá trị DN.

Bởi đây là khâu then chốt trong cổ phần hóa nên được cử tri, dư luận quan tâm, nhất là việc định giá đất đai nói chung, đất đai ở vị trí đắc địa có nhiều lợi thế kinh doanh nói riêng. Báo cáo kết quả giám sát nhận định, việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN cổ phần hóa cơ bản tuân thủ các quy định của Luật Đất đai, tuy nhiên việc xác định này còn có vấn đề.

Báo cáo kết quả giám sát chỉ rõ khi xác định giá trị DN để cổ phần hóa không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Cử tri và dư luận rất lo ngại tình trạng trục lợi, lợi ích nhóm, những quan hệ không rành mạch trong định giá, hay việc thông thầu khi đấu giá trong quá trình cổ phần hóa dẫn đến thất thoát, thiệt hại tài sản Nhà nước. Hay tình trạng đẩy giá mua DNNN khiến Nhà nước thiệt hại khi mua cổ phần. Đã có tình trạng này và trường hợp này đang xử lý.

Đề nghị Chính phủ cần thường xuyên rà soát quy định pháp luật về cổ phần hóa, để bịt kín những lỗ hổng, xây dựng khung pháp lý xác định giá trị DN, nhất là quy định về xác định giá trị vô hình, để làm cơ sở vững chức khi xác định giá trị DN khi cổ phần hóa. Tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm soát để ngăn chặn, loại trừ sự tùy tiện, lợi dụng, tham nhũng trong cổ phần hóa, cũng như phát hiện kịp thời, có biện pháp xử lý nghiêm vi phạm, khắc phục bất cập, tồn tại trong quá trình cổ phần hóa.

Thanh Tâm