Tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Cụ thể hóa từng công việc, vị trí việc làm

- Thứ Bảy, 12/10/2019, 08:18 - Chia sẻ
Tại hội thảo “Một số vấn đề về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)” do Đoàn ĐBQH TP Hà Nội vừa tổ chức, các đại biểu cho rằng: Quy định về tuổi nghỉ hưu ở nước ta đang lạc hậu và có sự khác biệt khá lớn nên việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Tuy nhiên, cần linh hoạt trong phân chia đối tượng để tính tuổi nghỉ hưu cho phù hợp; phân định tuổi nghỉ hưu đối với từng ngành nghề nhằm phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội…

Cần phân chia đối tượng để tính tuổi nghỉ hưu

Việt Nam là một trong rất ít quốc gia có quy định khác biệt tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và nữ. Từ năm 1961 đến nay, vẫn giữ nguyên là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Tuy nhiên, so với xu hướng phát triển chung, quy định này đã trở nên lạc hậu khi các điều kiện cơ bản quyết định đến việc quy định tuổi nghỉ hưu đã có nhiều thay đổi. Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình QH tại kỳ họp tới, Bộ LĐ, TB - XH đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021.

Theo Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu, việc sửa đổi quy định về tuổi nghỉ hưu cần phải phù hợp với xu hướng già hóa dân số; khả năng đáp ứng về sức khỏe của người lao động trên cơ sở phân nhóm lao động theo khu vực ngành nghề; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong quy định về tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, phải giải quyết hài hòa lợi ích của ba bên: Người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước; phù hợp với chính sách giải quyết việc làm, thất nghiệp của Nhà nước; bảo đảm cân đối thu chi của Quỹ BHXH.


Đại biểu tham gia phát biểu tại hội thảo Ảnh: Trần Tâm

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động, kéo dài thời gian làm việc của từng người lao động và hệ quả là rủi ro thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng, hiện, Công ty có hơn 3.000 lao động, hoạt động theo ca kíp, phần nhiều bộ phận xuất nhập khẩu đều làm việc về đêm. Qua tham khảo ý kiến người lao động, những lao động trực tiếp bằng chân tay mong muốn tuổi nghỉ hưu được giữ nguyên theo Bộ luật hiện hành, còn người lao động trí óc thì đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu. Do vậy, ban soạn thảo nên phân chia đối tượng để tính tuổi nghỉ hưu cho phù hợp.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng UDIC Nguyễn Hoàng Lan chia sẻ: Nguyện vọng của người lao động trong Tổng công ty là tùy theo từng ngành nghề, vị trí mà tính tuổi nghỉ hưu. Chẳng hạn, với những bộ phận phải sử dụng nhiều kỹ năng về mắt, tay, tai thì độ tuổi cao sẽ khó thực hiện. Vì vậy, ban soạn thảo nên cân nhắc kỹ lưỡng trong quy định tuổi nghỉ hưu đối với từng ngành nghề, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.

Đồng tình với các ý kiến về vấn đề liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Tăng tuổi nghỉ hưu chỉ đối với những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Với những lao động hoạt động nặng nhọc trong môi trường độc hại, suy giảm và ở vùng đặc biệt khó khăn thì lại có cơ chế điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp. Theo đó, các trường hợp này có quyền nghỉ hưu sớm hơn 5 năm, thậm chí có thể giảm đến 10 năm khi sức khỏe người lao động bị suy giảm. Do đó, trong quá trình thiết kế chính sách phải cụ thể hóa tới từng danh mục công việc, vị trí việc làm để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.

Phải có tầm nhìn dài hạn

 Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu và phân tích vấn đề về giới trong tăng tuổi nghỉ hưu, lộ trình nghỉ hưu, cơ chế khuyến khích cho những người tiếp tục làm việc; quy chuẩn quốc tế và các bài học rút ra cho Việt Nam trong việc sửa đổi tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Bộ luật Lao động… Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu và cụ thể hóa từng đối tượng cần tăng tuổi nghỉ hưu và những đối tượng có thể giữ nguyên như hiện nay, hoặc được về hưu sớm trước tuổi quy định…

Bên cạnh quan tâm đến từng nhóm đối tượng lao động cụ thể, đại biểu Ngô Quỳnh An nhấn mạnh đến việc cần làm rõ khái niệm “tuổi thọ trung bình” và “tuổi sống khỏe mạnh”. Đại biểu dẫn chứng, theo số liệu của Tổng cục Dân số thì tuổi thọ bình quân của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng lên 75 tuổi vào năm 2030, nhưng sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuổi thọ sống khỏe mạnh vào năm 2018 chỉ khoảng 64 tuổi, tương đương với khoảng 10 năm bệnh tật. “Do vậy, nên quan tâm đến tuổi thọ khỏe mạnh chứ không phải tuổi thọ trung bình. Dự báo đến 2030, tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam là 68 tuổi, vì thế tăng tuổi hưu phải xoay quanh độ tuổi này”, bà Quỳnh An đề xuất.

Ở góc độ khác, nhiều đại biểu cho rằng, cần phân biệt tuổi nghỉ hưu và tuổi làm việc. Bởi, những người về hưu không có nghĩa là không làm việc, thậm chí một số người làm việc còn nhiều hơn lúc đương chức. Ngoài ra, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ với tầm nhìn dài hạn, không nên vội vàng. Vì nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm hạn chế cơ hội việc làm cho các thanh niên trẻ mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng, làm tăng số thất nghiệp trong nhóm này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng…

Trước những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Đoàn ĐBQH thành phố sẽ nghiên cứu, tổng hợp đóng góp, lắng nghe ý kiến của cử tri để phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến QH. Để việc sửa đổi luật lần này thật sự hiệu quả, mang lại hiệu ứng tích cực, sự đồng thuận trong cử tri và nhân dân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố đề nghị, sau hội thảo, các chuyên gia cần tiếp tục nghiên cứu, đóng góp với ban soạn thảo để hoàn thiện dự thảo Bộ luật; các ĐBQH nghiên cứu, tiếp thu trên tinh thần quán triệt các mục đích, yêu cầu chung của việc sửa đổi luật, lắng nghe thêm ý kiến phản ánh của cử tri. Ngoài ra, Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã khi TXCT cần đưa ra căn cứ, lý luận để giải thích nếu cử tri có ý kiến về Dự thảo Bộ luật này.

TRẦN TÂM