Chỉ số năng lực cạnh tranh với việc ban hành chính sách địa phương

Cụ thể hóa các chỉ số thành phần

- Thứ Hai, 17/06/2019, 07:57 - Chia sẻ
Bên cạnh các chính sách của Trung ương, chủ trương của Đảng bộ và điều hành của UBND tỉnh, HĐND tỉnh Đồng Tháp đã xem xét nội dung của các chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) liên quan phù hợp để nghiên cứu, đã ban hành một số chính sách nhằm cụ thể hóa các nội dung chủ yếu của các chỉ số thành phần. Những nỗ lực này đã giúp kết quả thực hiện chỉ số PCI của tỉnh trong 11 năm qua luôn đứng trong top đầu bảng xếp hạng cả nước. Năm 2018, Đồng Tháp vươn lên giành ngôi vị “Á quân”.

Ngôi vị “Á quân” bảng xếp hạng

Nhận thức được tầm quan trọng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhằm xây dựng chính quyền thân thiện với doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo điều kiện thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển bình đẳng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Những năm qua, HĐND tỉnh Đồng Tháp đã trú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Trong đó, cải tiến hoạt động HĐND và vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được quan tâm, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thủ tục hành chính thông thoáng, góp phần giúp địa phương khắc phục bất lợi về vị trí địa lý, điều kiện hạ tầng để tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương.

Từ những nỗ lực trên, kết quả thực hiện chỉ số PCI của tỉnh Đồng Tháp trong 11 năm qua luôn đứng trong top đầu bảng PCI xếp hạng. Năm 2017, PCI của tỉnh đạt 68,78 điểm, đứng vị trí thứ 3 bảng xếp hạng cả nước và thuộc nhóm tỉnh/thành có chất lượng điều hành “rất tốt”. Năm 2018, Đồng Tháp vươn lên giành ngôi vị “Á quân” trong bảng xếp hạng, chỉ đứng sau Quảng Ninh với  70,19 điểm, tăng 1,41 điểm so với năm 2017.


Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp giải trình kết quả thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh về Nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh giai đoạn 2016 - 2020
Ảnh: M. Trường

Cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế

 Để tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của các ngành, các cấp trong việc thực hiện tốt chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” nhằm cải thiện môi trường đầu tư - sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển. Thời gian tới, HĐND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục nghiên cứu ban hành một số chính sách ở địa phương nhằm tập trung cải thiện điểm số của 4 chỉ số thành phần có trọng số cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tổng điểm số PCI là: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tính minh bạch và chi phí không chính thức. Điều chỉnh, bổ sung các chính sách nhằm duy trì và tiếp tục nâng cao các chỉ số như: Cải thiện tính minh bạch, khả năng tiếp cận đất đai, tính năng động, thiết chế pháp lý.

Qua các chỉ số PCI (gồm: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý), để thúc đẩy hoạt động kinh tế địa phương. Đây là những thách thức lớn tác động đối với việc ban hành các chính sách của HĐND tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh các chính sách của Trung ương, chủ trương của Đảng bộ và điều hành của UBND tỉnh, HĐND tỉnh Đồng Tháp đã xem xét các nội dung của các chỉ số (PCI) có liên và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình để nghiên cứu và đã ban hành một số chính sách nhằm cụ thể hóa các nội dung chủ yếu của các chỉ số PCI. Như: Cải thiện tính minh bạch, khả năng tiếp cận đất đai, nâng cao chất lượng đào tạo lao động cho phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương.

Cụ thể, để góp phần cải thiện tính minh bạch trong chỉ đạo điều hành và thực hiện thủ tục hành chính, HĐND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, giám sát đối với UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan. Qua đó, đã phát hiện một số vấn đề tồn tại, bất cập trong công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành và địa phương nhằm giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai, thuế, các chính sách ưu đãi trong kêu gọi đầu tư… để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo khắc phục, điều chỉnh kịp thời, giúp cho công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh và các đơn vị, cơ quan hoạt động hiệu quả tốt hơn; đồng thời, Thường trực HĐND tỉnh đề ra các giải pháp hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả giữa kết hợp công tác khảo sát, giám sát của Thường trực HĐND tỉnh với hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp mà cử tri, doanh nghiệp quan tâm; thực hiện đa dạng hóa các hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp HĐND để cử tri, doanh nghiệp quan tâm theo dõi;…

Bên cạnh đó, các nghị quyết HĐND tỉnh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về thu chi tài chính; kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, hàng năm, các chính sách ưu đãi trong kêu gọi đầu tư… đều được HĐND đăng tải công khai trên Website của HĐND tỉnh.

Về khả năng tiếp cận đất đai, để góp phần cải thiện chỉ số này, HĐND tỉnh đã rà soát ban hành các nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) và Nghị quyết thông qua điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh. Hàng năm, HĐND tỉnh xem xét ban hành các nghị quyết về quy định giá các loại đất, danh mục dự án thu hồi đất, danh mục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước để thực hiện dự án, nhằm tạo sự đồng thuận chung trong tổ chức thực hiện; đồng thời, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các huyện, thị, thành phố để triển khai công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện theo đúng quy định pháp luật về đất đai, làm cơ sở thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch được duyệt.

Đồng thời, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về thành lập Quỹ phát triển đất tỉnh Đồng Tháp để thực hiện công tác đền bù, GPMB tạo quỹ đất sạch trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn công tác kêu gọi đầu tư.

Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33/2010/NQ-HĐND ngày 18.12.2010 về việc thông qua Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2015 và Nghị quyết số 59/2016/NQ-HĐND ngày 3.8.2016 về nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn dạy nghề với doanh nghiệp cung cấp trang thiết bị; nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động; đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư phát triển các trường nghề trọng điểm, các ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao theo đúng định hướng phát triển của địa phương.

Nguyễn Thị Kim Tuyến - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp