Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc

Cụ thể để tránh lạm dụng

- Thứ Tư, 15/05/2019, 07:56 - Chia sẻ
Một trong những nội dung trong dự thảo Luật Kiến trúc, dự kiến sẽ trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy tới, được nhiều ý kiến quan tâm, đó là sát hạch cấp chứng chỉ, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Thảo luận về dự thảo Luật tại Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định về nội dung này cần được cụ thể ngay trong Luật để tránh lạm dụng điều kiện liên quan đến việc cấp chứng chỉ hành nghề.

Chủ tịch UBND tỉnh cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc

Để thuận lợi hơn trong quản lý hoạt động hành nghề kiến trúc, dự thảo Luật Kiến trúc đã quy định rõ 3 đối tượng bắt buộc có chứng chỉ hành nghề đó là kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân; cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc và cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc.

Câu hỏi đặt ra là: Trong điều kiện hiện nay, cá nhân, tổ chức nào cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc là phù hợp?

Để huy động nguồn lực xã hội, giảm bớt công việc cho cơ quan quản lý nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và thông lệ quốc tế, nhiều ý kiến đề nghị nên giao tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Trong khi đó, có ý kiến lại băn khoăn, khi điều kiện năng lực của các tổ chức này chưa thực sự đáp ứng yêu cầu để có thể đảm nhận việc cấp chứng chỉ hành nghề thì không nên giao quá nhiều nhiệm vụ cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐBQH, của các chuyên gia, dự thảo Luật Kiến trúc đã được chỉnh lý theo hướng: Trước mắt giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc và thành lập hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề ở địa phương với thành phần là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp, chuyên gia.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Ảnh Hà An

Ngoài ra, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc trong quá trình cấp, gia hạn, thu hồi chứng chỉ hành nghề, sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Đồng thời, giao Chính phủ quy định điều kiện hoạt động của các tổ chức này cho phù hợp.

Liên quan đến thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, Khoản 1, Điều 27 dự thảo Luật quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc ở địa phương”. Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Bùi Thanh Tùng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm “ở địa phương”, bởi quy định “ở địa phương” thì phải có khái niệm “ở Trung ương”. Quy định “ở địa phương” như dự thảo Luật thì người hành nghề kiến trúc khi sang các địa phương khác hành nghề có phải xin cấp lại chứng chỉ hành nghề không? Liệu có phải Chủ tịch UBND tỉnh chỉ cấp chứng chỉ hành nghề cho người thường trú ở địa phương đó không? Chứng chỉ hành nghề được cấp có phạm vi sử dụng toàn quốc hay không? Những điều này cần phải được làm rõ, Phó Trưởng đoàn Bùi Thanh Tùng nói.

Dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn là đề nghị của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm và có hiệu lực toàn quốc.

Từ góc nhìn của cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, qua thực tiễn Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm các nước, chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm là phù hợp với đặc điểm của kiến trúc sư, hoạt động kiến trúc, cũng như cải cách thủ tục hành chính. Về cấp chứng chỉ hành nghề, chỉ cấp ở “địa phương”, Trung ương không thực hiện nhiệm vụ này. Bất kỳ hồ sơ nào, đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ cấp chứng chỉ và chứng chỉ hành nghề được cấp sẽ có phạm vi áp dụng toàn quốc.

Không tạo khoảng trống pháp luật

Một nội dung nữa cũng giành được nhiều sự quan tâm khi thảo luận, đó là sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Khoản 3, Điều 26 dự thảo Luật quy định: Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc được công nhận đủ điều kiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc khi đáp ứng các yêu cầu: Có lĩnh vực hoạt động liên quan đến hoạt động kiến trúc; đối với hội phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hội và phê duyệt điều lệ hội; đối với cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc phải được thành lập theo quy định của pháp luật; đáp ứng đủ cơ sở vật chất phục vụ tổ chức sát hạch. Chính phủ quy định chương trình, nội dung, hình thức tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc; điều kiện đối với các tổ chức xã hội, nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Từ góc độ tính khả thi của điều luật, Phó Chủ nhiệm Trần Văn Minh băn khoăn về việc dự thảo Luật chưa có quy định về việc công nhận sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề như thế nào. Khi các tổ chức này đáp ứng đủ điều kiện như quy định tại Khoản 3, Điều 26 của dự thảo Luật thì mặc nhiên được công nhận đủ điều kiện sát hạch cấp chứng chỉ hay phải có cơ quan có thẩm quyền công nhận? Trong trường hợp được cơ quan có thẩm quyền công nhận thì cơ quan có thẩm quyền ấy là cơ quan nào? Trình tự, thủ tục công nhận đủ điều kiện sát hạch cấp chứng chỉ cần được thể hiện trong dự thảo Luật, hoặc ít nhất dự thảo Luật có quy định giao cho cơ quan nào đó quy định về trình tự, thủ tục công nhận đủ điều kiện sát hạch. Với hàng loạt câu hỏi đặt ra, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc khi quy định vấn đề này trong dự thảo Luật để không tạo khoảng trống pháp luật, nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện quy định của Luật sau này.

Dự thảo Luật quy định, một trong những nội dung sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc là “kinh nghiệm nghề nghiệp về kiến trúc”. Cho rằng quy định này còn chung chung, ĐBQH Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đặt câu hỏi: Tiêu chí nào để đánh giá “kinh nghiệm nghề nghiệp về kiến trúc”? Liệu thủ tục sát hạch có cần thiết và thủ tục này có tạo nên cơ chế xin - cho hay không?

Tương tự, liên quan đến điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, dự thảo Luật quy định: Cá nhân đạt giải nhất, giải nhì giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc thì được miễn điều kiện “có thời gian, kinh nghiệm tham gia thiết kế, kiến trúc trong thời gian tối thiểu 3 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc”. Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Bùi Thanh Tùng, hiện còn nhiều ý kiến băn khoăn về “giải thưởng quốc tế về kiến trúc” bởi “giải thưởng quốc tế” có nhiều phạm vi khác nhau. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để có quy định cụ thể trong dự thảo Luật, tránh lạm dụng việc miễn các điều kiện trong việc cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Chứng chỉ hành nghề kiến trúc không chỉ là cơ sở để cá nhân hành nghề mà còn là cơ sở để quản lý hoạt động hành nghề của kiến trúc sư. Vì thế, các quy định về việc sát hạch, cấp, gia hạn, thu hồi cấp chứng chỉ hành nghề trong dự thảo Luật phải vừa bảo đảm cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho cá nhân hành nghề, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, tránh lạm dụng, dễ dãi trong cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Đây có lẽ cũng là những vấn đề đặt ra và đang chờ đợi giải trình thuyết phục hơn từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật này.

Hà An