Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ 6 tại Quảng Ngãi

Cụ thể đầu mối phối hợp, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm

- Thứ Ba, 23/04/2019, 08:37 - Chia sẻ
Lược ghi phát biểu của ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHÙNG QUỐC HIỂN tại hội nghị

Hôm nay, trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi rất vui mừng được tham dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành Nam Trung Bộ và Tây nguyên lần thứ 6 nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Thay mặt UBTVQH, tôi xin chào mừng và chúc các vị đại biểu, các vị khách quý tham dự Hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.


Ảnh: Ngọc Đức

Thưa toàn thể các vị đại biểu,

Qua công tác hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND các cấp từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay của UBTVQH cũng như qua các báo cáo tham luận, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị ngày hôm nay cho thấy, tuy còn có những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố do một số quy định của pháp luật còn chưa đầy đủ, rõ ràng cũng như do quá trình tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, HĐND các tỉnh, thành khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã phấn đấu làm tròn chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp qua công tác bầu cử đại biểu HĐND; góp ý xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chuẩn bị và tổ chức kỳ họp; tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND; thực hiện chương trình giám sát hàng năm; tổ chức TXCT... đã thực hiện ngày càng tốt hơn.

Như kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam, sau khi thống nhất nội dung kỳ họp, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn lựa nội dung tổ chức phản biện xã hội. Hoạt động chất vấn, giải trình giữa hai kỳ họp của Thường trực HĐND đã bám sát các quy định của pháp luật, tình hình thực tế của địa phương thực hiện có hiệu quả với kinh nghiệm của tỉnh Đắk Nông tổ chức các phiên giải trình có sự tham dự của UBND, Đoàn ĐBQH, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Giám đốc các sở, ngành liên quan, đại diện các doanh nghiệp liên quan; UBND các huyện, thị, Tổ trưởng các Tổ đại biểu; tỉnh Gia Lai với kinh nghiệm về việc tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND...

Do vậy, tôi hoan nghênh việc Hội nghị Thường trực HĐND khu vực lần này đã lựa chọn chủ đề “Kinh nghiệm trong việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa Thường trực HĐND cấp tỉnh, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp” và “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình giữa hai kỳ họp, phiên họp của HĐND và Thường trực HĐND”. Nội dung của Hội nghị lần này sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND trong khu vực nói chung và cả nước nói riêng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Tại hội nghị này, nhiều tham luận, cũng như ý kiến phát biểu của các đại biểu đã nêu lên tình hình thực tiễn, những kinh nghiệm tốt để những địa phương khác tham khảo, rút kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của HĐND. Những kinh nghiệm và kiến nghị của các đại biểu, Ban Công tác đại biểu của UBTVQH sẽ tổng hợp đầy đủ, báo cáo, đề xuất, kiến nghị với UBTVQH, Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bảo đảm để HĐND nói riêng và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Thưa toàn thể các vị đại biểu,

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri, trong khuôn khổ hội nghị này, tôi xin được trao đổi thêm một số vấn đề cụ thể sau đây:

Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đánh giá thực chất các nội dung công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ cùng cấp, tôi xin bổ sung thêm phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh. Cần có sự phân công cụ thể đầu mối phụ trách công tác phối hợp, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm từng nội dung của quy chế phối hợp, đổi mới hình thức tổ chức, nội dung, đối tượng TXCT để thu hút được nhiều cử tri tham gia, giảm tình trạng cử tri chuyên nghiệp; tăng cường phối hợp nâng cao chất lượng tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; đẩy mạnh và chú trọng hiệu quả hoạt động “giám sát, phản biện xã hội” đối với những quyết sách lớn của địa phương; thực hiện nhiệm vụ kết nối các kết quả giám sát của QH, HĐND với phương châm “lan tỏa, hiệu quả”.

Hai là, tiếp tục nâng cao vai trò và trình độ, kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND. Hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐHD, nhất là đại biểu chuyên trách. Do vậy, bản thân các đại biểu HĐND cần nâng cao ý thức trách nhiệm với địa phương và cử tri; phải thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình. Bên cạnh đó, mỗi đại biểu HĐND cũng phải thường xuyên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và hiểu biết đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng Nhân dân.

Ba là, cần xác định rõ mục đích của hoạt động chất vấn, giải trình là hướng đến mục tiêu xây dựng, làm cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, bảo đảm sự minh bạch và chế độ trách nhiệm thực thi công vụ. Khi xem xét lựa chọn vấn đề để chất vấn, giải trình cần phải xem xét đến các điều kiện khách quan, chủ quan tác động đến hiệu quả việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của đối tượng được yêu cầu trả lời chất vấn và giải trình. Để từ đó các đại biểu HĐND đặt các câu hỏi đúng trọng tâm, người trả lời chất vấn, giải trình đúng vấn đề.

Bốn là, tăng cường vai trò, trách nhiệm và kỹ năng điều hành của chủ tọa kỳ họp, phiên họp. Điều hành của chủ tọa phải linh hoạt, mềm dẻo nhưng vẫn kiên quyết khi xử lý những tình huống phát sinh, duy trì và phát huy sự đối thoại, tranh luận trực tiếp giữa đại biểu và người trả lời chất vấn, giải trình nhằm làm rõ hơn các nội dung mà đại biểu quan tâm, tạo không khí dân chủ, thẳng thắn, nhưng vẫn mang tính xây dựng. Sau mỗi nội dung chất vấn, giải trình, chủ tọa phải có kết luận rõ ràng, gợi ý chất vấn, giải trình bổ sung nếu thấy cần thiết để làm rõ vấn đề. Kết luận phiên chất vấn, giải trình của chủ tọa không phải là khép lại phiên họp mà phải mở ra những nội dung mới, hướng xử lý tiếp theo và những ý tưởng hay để giải quyết các vấn đề đã đưa ra chất vấn, giải trình.

Năm là, làm tốt công tác tuyên truyền, truyền hình, truyền thanh trực tiếp các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình để nhân dân theo dõi, tiếp nhận thông tin trực tiếp và đầy đủ hơn, đồng thời cũng nâng cao được trách nhiệm của người trả lời chất vấn, giải trình cũng như đại biểu HĐND. Bên cạnh đó, việc phổ biến, tuyên truyền nghị quyết, kết luận phiên chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND; kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và Đoàn ĐBQH phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời và gắn liền với việc TXCT, phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan tuyên giáo, thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền để nhân dân biết và cùng giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Xin trân trọng cảm ơn!

-----------------
* Đầu đề do báo Đại biểu Nhân dân đặt

TUẤN NGUYÊN lược ghi