Tạm hoãn xuất cảnh, nhập cảnh

Cụ thể, chặt chẽ, không hạn chế quyền công dân

- Thứ Ba, 16/07/2019, 07:34 - Chia sẻ
Quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh… là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trình UBTVQH tại Phiên họp sáng qua. Do đó, các thành viên UBTVQH cho rằng, các quy định này phải thật cụ thể, chặt chẽ để tránh tùy tiện, lạm dụng, hạn chế quyền con người, quyền công dân, đồng thời không buông lỏng, lọt các đối tượng có nguy cơ bỏ trốn.

Ai quyết định chưa cấp giấy tờ xuất cảnh?


Ảnh: Q.Khánh

Yêu cầu đặt ra là quy định về việc tạm hoãn xuất cảnh phải bảo đảm chặt chẽ, vừa phục vụ công tác quản lý nhưng tránh làm ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền của công dân. Các quy định tại Điều 36 dự thảo Luật cũng phải rà soát thật kỹ, bảo đảm chặt chẽ, tránh quy định chung chung dẫn đến việc vận dụng làm tăng diện hoãn xuất cảnh. Cùng với đó, cần rà soát các quy định về thẩm quyền quyết định tạm hoãn, cần thiết bổ sung quy định về trách nhiệm của người ra quyết định tạm hoãn để bảo đảm chặt chẽ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Theo Khoản 1, Điều 21 dự thảo Luật, các trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh là những người có hành vi vi phạm: Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh; làm giả, sử dụng giấy tờ giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài; tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh, hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh; sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái với quy định của pháp luật Việt Nam hoặc gây thiệt hại cho uy tín và lợi ích của Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, người có hành vi lợi dụng, lạm dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép… cũng thuộc trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh. Như vậy, dự thảo Luật đã chỉ rõ những trường hợp vi phạm dẫn đến chưa được cấp giấy tờ nhập cảnh.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định bày tỏ băn khoăn khi cho ý kiến vào quy định này. Lý lẽ là bởi, dự thảo Luật chưa quy định ai là người có thẩm quyền quyết định chưa cấp giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh? Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 1, Điều 21, trường hợp vi phạm rất rộng, có thể là vi phạm hành chính, có thể là hình sự, có thể có vi phạm nghiêm trọng khác như phản bội Tổ quốc, lợi dụng xuất cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia… Vì thế, cần quy định rõ ngay trong dự thảo Luật về người có thẩm quyền quyết định cấp, chưa cấp giấy tờ này.

Điều khiến Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định băn khoăn nữa là dự thảo Luật quy định “chưa cấp giấy tờ xuất cảnh và nhập cảnh” trong những trường hợp này. Điều này đồng nghĩa khi có vi phạm thì áp dụng không cấp giấy xuất cảnh và nhập cảnh. Câu hỏi đặt ra là: Nếu xảy ra trường hợp một người vi phạm pháp luật về thuế, nếu đã cấp giấy tờ xuất cảnh, nhưng sau đó mới phát hiện người đó còn nợ 50 triệu đồng tiền thuế. Vậy theo quy định của dự thảo Luật, sẽ không cho người đó trở về nước, hay như thế nào? Nếu quy định không cấp giấy nhập cảnh trong trường hợp này là không hợp lý. Trong khi đó, quyền hồi hương là quyền của công dân Việt Nam và Hiến pháp cũng như công ước quốc tế đều ghi nhận điều này. Theo đó, quyền trở về nước là quyền cơ bản của công dân, ngoại trừ vì lý do an ninh, quốc phòng và sức khỏe cộng đồng. Cơ quan soạn thảo cần rà soát để quy định Khoản 1, Điều 21 chi tiết hơn, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định đề nghị.

Tránh tùy tiện, lạm dụng

Tương tự, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh đều có nội dung có liên quan trực tiếp đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, liên quan đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe cộng đồng. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần rà soát rất kỹ các quy định trong dự thảo Luật.

Một trong những trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh thể hiện trong dự thảo Luật là: “Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân khác hoặc để bảo đảm thi hành án”. Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, quy định như dự thảo là “rất rộng”. Bởi lẽ, trong tố tụng dân sự gồm có nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong khi đó, dự thảo Luật quy định “người có nghĩa vụ” ảnh hưởng đến giải quyết vụ án và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng sẽ dẫn đến khó khăn, đó là một vụ án dân sự có thể kéo rất dài. Điều này đồng nghĩa, người này có thể bị tạm hoãn xuất cảnh rất lâu.

Do đó, cần rà soát với các quy định liên quan, tránh những quy định làm hạn chế quyền con người, quyền công dân, nhưng đồng thời không để “lỏng” các đối tượng như một số vụ việc đã xảy ra thời gian qua, tránh tùy tiện lạm dụng trong thực tế để hạn chế quyền con người, quyền công dân, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga nói.

Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung trường hợp tạm hoãn xuất cảnh để phù hợp với Luật Quản lý thuế vừa được thông qua. Trong đó, có quy định “người nộp thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế” (tại Khoản 1, Điều 66, Luật Quản lý thuế) và “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế” (Khoản 7, Điều 124, Luật Quản lý thuế) vào Điều 36 của dự thảo Luật. Ngoài ra, cần bổ sung trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn.

Tại Khoản 6, Khoản 7, Điều 36, dự thảo Luật về trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh và chữa bệnh”. Với cụm từ “xét thấy cần…”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng khi điều luật được thông qua. Vì rằng, trong trường hợp này thì ai “xét thấy”, và do cấp nào thực hiện… cần được quy định cụ thể ngay trong Luật, để không ảnh hưởng tới quyền đi lại của công dân, cũng như bảo đảm không bỏ lọt trường hợp vi phạm, hoặc những người đang trong quá trình phải tạm hoãn, không được xuất, nhập cảnh.

Xuất cảnh, nhập cảnh là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Vì thế, dù quy định theo hướng nào thì nguyên tắc này cần được bảo đảm. Muốn vậy, các quy định trong dự thảo Luật phải bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, tránh tùy nghi, lạm dụng khi áp dụng. Như ý kiến của Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ là cần rà soát thật kỹ, bảo đảm chặt chẽ, tránh quy định chung chung dẫn đến việc vận dụng làm tăng diện hoãn xuất cảnh.

Hà An