Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng

Cú sốc mỹ thuật đầu thế kỷ XV

- Thứ Hai, 05/10/2015, 08:30 - Chia sẻ
Adam và Eva bị trục xuất khỏi thiên đàng (1424 - 1427) của Masaccio đã đạt đến cả hai phương diện về đề tài cũng như bút pháp, xoay chuyển hoàn toàn phong cách Gotich đã đạt đến đỉnh cao thời bấy giờ. Bức tranh tường này là một cú sốc trong mỹ thuật đầu thế kỷ XV, mở màn cho cuộc cách mạng hội họa Phục hưng ở Nam Âu.

Adam và Eva bị trục xuất khỏi thiên đàng, tranh tường của Masaccio, tại nhà nguyện Brancacci, nhà thờ Santa Maria del Carmine
ở Florence, Italy, tác phẩm trước khi được phục hồi năm 1980
Được vẽ trong nhà nguyện của nhà thờ Santa Maria del Carmine ở Florence, Italy, bức tranh nằm trong một tổng thể lớn gồm nhiều tác phẩm khác nhau trích ra từ những câu chuyện đặc sắc trong kinh thánh. Adam và Eva bị trục xuất khỏi thiên đàng thuận theo khổ dọc của chiếc cột để khởi đầu cho chuỗi câu chuyện khác. Hai nhân vật trong huyền thoại về sáng thế lần đầu tiên được bước ra hoàn toàn khác so với những thành tựu đồ sộ mà hội họa Gotich đã đạt đến. Hầu như phần nền cảnh không có gì. Cánh cổng thiên đàng là một vòm cong được nhìn theo thế nghiêng vát một bên, dường như ăn nhập hoàn toàn với mép cột trụ tường mà bức tranh chiếm lĩnh, khiến cho hai nhân vật đi ra hết sức tự nhiên. Phía trên đầu của hai nhân vật chính vừa “tỉnh ngộ” sau khi ăn quả táo là một nữ thiên thần nổi giận trong chiếc áo choàng màu đỏ cầm chiếc gươm như kẻ thực thi mệnh lệnh.

Cho đến thời điểm đó, việc vẽ nhân vật khỏa thân cả nam lẫn nữ hầu như chưa xuất hiện trong hội họa. Và chủ đề hình ảnh gần khỏa thân duy nhất trong hội họa có lẽ là các bức tranh Chúa đóng đinh trên thập giá hay hạ thánh giá. Thi thoảng chủ đề Adam và Eva cũng được vẽ trong các minh họa sách hay tranh cỡ nhỏ. Với Masaccio và nhà nguyện Brancacci của nhà thờ Santa Maria del Carmine, có lẽ lần đầu tiên, một bích họa lớn được thể hiện. Với họa sĩ, cũng như nền hội họa thời bấy giờ, chủ đề này có lẽ chỉ là cái cớ chính đáng cho các đề tài khỏa thân bước vào như một cuộc cách mạng chống lại các lý tưởng về sự khổ hạnh trong phần lớn tác phẩm hội họa trước đó.

Adam và Eva bị đuổi khỏi thiên đàng còn mang ý nghĩa giá trị nhiều hơn thế trong nghệ thuật lúc bấy giờ. Hình tượng của Adam, theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật châu Âu, được Masaccio học tập từ nguyên mẫu nhân vật điêu khắc thần rừng Marsyas trong thần thoại Hy Lạp do Donatello tạc. Còn Eva lấy hình mẫu từ tác phẩm Thần Vệ Nữ của Giovani Pisano - một trong những nhà điêu khắc tài danh của nghệ thuật Gotich đỉnh cao. Việc học tập và lấy cảm hứng từ các bức tượng cổ điển thời Hy Lạp và La Mã đến thời điểm này mới được các nhà điêu khắc ứng dụng nhằm nghiên cứu tỷ lệ con người và tạo hình trong không gian. Đến Masaccio, câu chuyện này được tiếp nối trong hội họa. Dáng oằn lưng của Adam và dáng tay che ngực của Eva như bật lên trên nền cảnh. Việc sử dụng ánh sáng một chiều cũng được các nhà nghiên cứu đề cập như khía cạnh mới của tác phẩm, khởi đầu cho những chuẩn mực mới trong hội họa Phục hưng.

Adam và Eva không còn được mô tả như những bóng hình vô thần, vô cảm nữa. Họ sống động trong thái độ ân hận ôm đầu đau khổ và cái khóc nấc của Eva nuối tiếc một thiên đàng đằng sau cánh cổng. Có lẽ chính sự ân hận được Masaccio diễn tả sâu sắc tuyệt vời đến vậy nên hai nhân vật này dẫu có khỏa thân, người xem dường như cũng không quá để ý. Và, bởi vậy nên bức họa đã tồn tại vào đầu thế kỷ XV (1427) như vậy ở một thánh đường quan trọng của Florence. Chỉ đến thế kỷ XVIII, với chính sách giáo điều, bức tranh này đã được Cosmo III de’ Medici cho vẽ thêm những lá nho để che giấu hình ảnh lộ liễu. Đến năm 1980, bức tranh này được phục hồi dáng vẻ ban đầu.

Có thể nói, Adam và Eva bị đuổi khỏi thiên đàng đã bắt đầu một cách ngoạn mục cho những quan điểm và tư tưởng mới thời Phục hưng khi lấy hình ảnh con người làm trung tâm. Nó mở ra con đường sáng mà các họa sĩ từ thế kỷ XV trở đi không ngừng tạo dựng nên những chuẩn mực mới.

Trang Thanh Hiền