Covid-19 gây áp lực lên ECB

- Thứ Bảy, 07/03/2020, 09:34 - Chia sẻ
Những động thái mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và một số ngân hàng trung ương các nước khác trước sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã gia tăng áp lực đối với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, song giới phân tích dự báo, bà Lagarde có rất ít khả năng để xoay xở.

Nhiều năm thực hiện chính sách kích thích chưa từng có đã đẩy chính sách tiền tệ nới lỏng của ECB đến giới hạn, trong bối cảnh các thị trường đang tìm kiếm sự bảo đảm trước dịch Covid-19. Trước thách thức lớn nhất kể từ khi nhậm chức vào tháng 11 năm ngoái, thông tin bà Lagarde sẽ chủ trì một cuộc họp của hội đồng điều hành ECB vào ngày 12.3 tới đang làm các nhà quan sát “đứng ngồi không yên”.

ECB cho biết sẵn sàng “thực hiện các biện pháp phù hợp khi cần thiết” để ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Nhưng giới phân tích đặt câu hỏi liệu ECB còn có thể làm được những gì? Chuyên gia phân tích Carsten Brzeski của công ty ING Diba cho rằng ECB đã hết “vũ khí”.

Với lãi suất đang ở các mức thấp kỷ lục, ECB mới đây đã đưa ra đề xuất một đợt tín dụng siêu rẻ nữa cho các ngân hàng thương mại, đồng thời tiếp tục kế hoạch mua trái phiếu khổng lồ để thúc đẩy tăng trưởng và nâng mức lạm phát vốn đang trong tình trạng thấp triền miên. Chính vì vậy, ông Fritzi Koehler-Geib, chuyên gia kinh tế hàng đầu của ngân hàng đầu tư KfW (Đức), nhận định ECB đang đứng trước khe cửa hẹp khi không có nhiều lựa chọn.

Nhiều chuyên gia dự đoán ECB sẽ hạ lãi suất tiền gửi từ -0,5% xuống -0,6%, khiến các ngân hàng thương mại mất chi phí nhiều hơn để gửi tiền dư thừa tại ECB, từ đó khuyến khích hoạt động cho vay.

Một phương án khác là ECB có thể đưa ra các điều khoản hào phóng hơn cho các ngân hàng cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ được xem là dễ tổn thương do tác động của dịch bệnh.

ECB cũng có thể gia tăng chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ, hiện ở mức 20 tỷ euro (22,3 tỷ USD) mỗi tháng, dù có ý kiến cho rằng điều này có thể diễn ra cuối năm nay vì ECB muốn giữ lại một chút “vũ khí”.

Trong cuộc họp tuần tới, ECB sẽ công bố dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho rằng dịch Covid-19 là “mối đe dọa nghiêm trọng” có thể làm chậm đà tăng trưởng toàn cầu xuống dưới mức 2,9% của năm ngoái. 

Quỳnh Vũ