Quản trị tài sản trí tuệ:

Công cụ giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững

- Thứ Tư, 04/12/2019, 20:38 - Chia sẻ
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh kinh tế giữa các quốc gia - doanh nghiệp ngày càng gay gắt, TS. Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ khẳng định, việc đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố quyết định ưu thế trong cạnh tranh, theo đó quản trị tốt tài sản trí tuệ sẽ trở thành công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

TS. Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ 

 - Thưa Ông, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay thì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thực thi và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ?

TS. Nguyễn Hữu Cẩn: Có thể thấy rằng tài sản trí tuệ có vai trò ngày càng lớn đối với năng lực cạnh tranh, vị thế thị trường và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, giá trị tài sản trí tuệ của nhiều doanh nghiệp có thể chiếm tới 85-90% tổng giá trị thị trường của doanh nghiệp. Nghiên cứu mới đây của chúng tôi cũng cho thấy, ở Việt Nam, những doanh nghiệp nắm giữ nhiều tài sản trí tuệ sẽ có kết quả kinh doanh - tính theo doanh thu/lao động- cao hơn so với doanh nghiệp nắm giữ ít tài sản trí tuệ. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam được nhận định là sẽ chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu và phát triển kinh tế tri thức, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất nhiều vào năng lực quản trị tài sản trí tuệ của chính doanh nghiệp. Sở dĩ như vậy vì trong thời gian qua, mặc dù các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp có đóng góp tích cực đối với kết quả kinh doanh, nhưng nhìn chung chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển. Sở hữu trí tuệ vẫn tiếp tục là một lĩnh vực mới mẻ; trình độ khoa học và công nghệ và quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao; số lượng các tài sản trí tuệ là tri thức công nghệ của Việt Nam còn nhỏ bé, giá trị không cao, hầu như chưa có sản phẩm trí tuệ nào có giá trị cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh kinh tế giữa các quốc gia - doanh nghiệp ngày càng gay gắt và việc đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố quyết định ưu thế trong cạnh tranh, quản trị tốt tài sản trí tuệ sẽ trở thành công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

- Theo đó, sở hữu trí tuệ sẽ là động lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia, thưa Ông ?

TS. Nguyễn Hữu Cẩn: Vai trò to lớn của sở hữu trí tuệ đối với phát triển và tăng trưởng kinh tế quốc gia đã được khẳng định cả về lý luận và thực tiễn. Những đóng góp to lớn của tài sản trí tuệ vào tăng trưởng kinh tế không chỉ đơn thuần phản ánh vai trò của nguồn lực công nghệ đối với quy mô tăng trưởng mà còn cho thấy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chất lượng tăng trưởng. Nhờ đó, mô hình tăng trưởng kinh tế được chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, từ việc dựa vào mở rộng khai thác nguồn lực sẵn có như lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên... sang việc dựa vào hiệu quả sử dụng các nguồn lực bằng cách ứng dụng công nghệ.

Tài sản trí tuệ, đặc biệt là sáng chế, có khả năng làm dịch chuyển giới hạn năng lực sản xuất, mở rộng hiệu quả sản xuất cũng như khả năng phát hiện và khai thác nguồn lực sẵn có. Tài sản trí tuệ không chỉ làm gia tăng tổng cung - sản lượng- của nền kinh tế mà còn làm tăng tổng cầu do làm gia tăng thu nhập từ các nguồn lực và kích thích tiêu dùng.


Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, vì vậy quản trị tốt tài sản trí tuệ sẽ là công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp phát triển bền vững 

Theo nghiên cứu mới đây của chúng tôi, sáng chế và nhãn hiệu được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và có đóng góp tương ứng là 9,42% và 8,31% GDP ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015. Điều đó cho thấy sở hữu trí tuệ đã trở thành một trong những công cụ thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

- Vậy những biện pháp cần phải có để giúp doang nghiệp thực hiện tốt sở hữu trí tuệ và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, thưa Ông?

TS. Nguyễn Hữu Cẩn: Để phát huy hơn nữa vai trò của tài sản trí tuệ đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, trước hết cần khẳng định quan điểm phát triển tài sản trí tuệ thực sự có chất lượng và giá trị kinh tế là một mục tiêu hàng đầu. Nhà nước, một mặt cần thực hiện vai trò kiến tạo về môi trường, thông qua việc hoàn thiện thể chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao rõ rệt chất lượng thực thi pháp luật và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ một cách thỏa đáng, minh bạch và công bằng, mặt khác cần định hướng doanh nghiệp chú trọng việc kết hợp giữa việc sử dụng, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ của thế giới với việc tạo ra, khai thác và phát triển các loại tài sản trí tuệ nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm sáng tạo, đặc biệt là các sáng chế của Việt Nam; chú trọng việc quản trị các tài sản trí tuệ, đặc biệt là các nhãn hiệu trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tổ chức một cách hệ thống việc huấn luyện kỹ năng sử dụng bài bản, có hiệu quả các công cụ quản trị tài sản trí tuệ trong quá trình tạo dựng, xác lập độc quyền, thương mại hóa, bảo vệ tài sản trí tuệ trong môi trường sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với hệ thống bổ trợ, cần chú trọng việc hiện đại hóa các cơ sở dữ liệu và bảo đảm thông tin sở hữu trí tuệ theo hướng đầy đủ, chi tiết, được cập nhật kịp thời kèm theo các công cụ nhận dạng, phân loại, sắp xếp khoa học, các công cụ tra cứu thân thiện bảo đảm đáp ứng một cách thuận tiện, nhanh chóng với độ tin cậy cao mọi nhu cầu thông tin phục vụ các hoạt động nghiên cứu - phát triển, nghiên cứu thị trường, đăng ký, thương mại hóa tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Đồng thời, cần tiếp tục mở rộng và cải tiến hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và tài sản trí tuệ dưới nhiều hình thức thiết thực nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của doanh nghiệp về tầm quan trọng của tài sản trí tuệ đối với hoạt động kinh doanh, từng bước xây dựng tập quán ứng xử văn minh trong các quan hệ về sở hữu trí tuệ.

- Xin cám ơn Ông !

Bảo Ngân