Lập pháp ủy quyền ở Anh

Công cụ giám sát của nghị viện

- Thứ Sáu, 09/01/2015, 08:50 - Chia sẻ
Ởnghị viện Anh có những cơ chế giám sát khác nhau đối với văn bản lập pháp ủy quyền. Hình thức phổ biến nhất là bắt buộc đệ trình nghị viện chấp thuận. Hàng ngày, những văn bản đệ trình đều được lưu vào sổ, và Văn phòng nghị viện lưu hành danh sách các văn bản. Ở Anh có hai quy trình đệ trình văn bản lập pháp ủy quyền là quy trình chấp thuận (affirmative procedure) và không chấp thuận (negative procedure).

Theo quy trình chấp thuận, văn bản lập pháp ủy quyền phải nhận được sự chấp thuận của cả hai viện mới có hiệu lực, trừ các văn bản có quy định về các vấn đề tài chính thì chỉ Hạ viện mới có thẩm quyền. Quy trình này có ba dạng: một là, dự thảo văn bản chưa có chữ ký của Bộ trưởng được đệ trình ở nghị viện, và sẽ được gửi trả để Bộ trưởng ký nếu được nghị viện chấp thuận; hai là, văn bản đệ trình đã được Bộ trưởng ký sẽ có hiệu lực khi được nghị viện chấp thuận; ba là, văn bản đã được Bộ trưởng ký và có hiệu lực ngay, nhưng sẽ mất hiệu lực nếu trong một thời hạn nhất định (28 ngày hoặc 40 ngày) không được nghị viện chấp thuận.

Theo quy trình này, văn bản lập pháp ủy quyền phải đưa ra tranh luận tại phiên họp toàn thể Hạ viện. Nhưng trên thực tế, hiếm khi diễn ra điều này, mà thường là một ủy ban thường trực liên quan của Hạ viện sẽ thẩm tra, có báo cáo, và toàn thể Hạ viện sẽ theo ý kiến trong báo cáo. Chỉ một tỷ lệ nhỏ khoảng 10% các văn bản lập pháp ủy quyền được xem xét theo quy trình chấp thuận.

Theo quy trình không chấp thuận, nếu trong 40 ngày sau khi được đệ trình, nghị viện không chấp thuận, thì văn bản không có hiệu lực; còn nếu nghị viện không có hành động gì thì được hiểu là văn bản mặc nhiên có hiệu lực. Trong vài trường hợp, thời hạn này có thể là 60 ngày hoặc 120 ngày. Hầu hết, khoảng 70% số văn bản lập pháp ủy quyền được đệ trình ra nghị viện Anh theo quy trình không chấp thuận. Trong quy trình này cũng hiếm khi diễn ra phiên tranh luận toàn thể về văn bản, và tranh luận tại ủy ban thường trực cũng không nhiều (trong năm 1999-2000, có 1.241 văn bản như vậy được đệ trình ở nghị viện Anh theo quy trình không chấp thuận, nhưng chỉ có 4 văn bản được đưa ra xem xét bởi toàn thể Hạ viện, và 16 văn bản thảo luận ở ủy ban thường trực).

Trong cả hai quy trình, nghị viện chỉ có quyền chấp thuận hoặc bác bỏ mà không được sửa đổi văn bản lập pháp ủy quyền. Đạo luật mẹ của văn bản lập pháp ủy quyền sẽ quy định cần phải đệ trình theo quy trình nào. Trên thực tế, hiếm khi nghị viện Anh bác bỏ văn bản lập pháp ủy quyền. Lần cuối cùng Hạ viện làm điều này vào năm 1979, còn Thượng viện năm 2000.

Nghị sĩ có thể giám sát đối với văn bản lập pháp ủy quyền bằng cách nêu kiến nghị (motion) bác bỏ văn bản. Bất kỳ nghị sĩ nào cũng có quyền đề xuất kiến nghị bác bỏ văn bản lập pháp ủy quyền trong vòng một số ngày sau khi nó được đệ trình. Sau khi kiến nghị của nghị sĩ được đưa ra, nếu không có đề xuất thảo luận kiến nghị đó, văn bản sẽ mặc nhiên bị bác bỏ. Như vậy, quy định này buộc Chính phủ phải chủ động đề xuất thảo luận kiến nghị của nghị sĩ nếu không muốn văn bản bị bác bỏ. Nếu sau khi được thảo luận, kiến nghị của nghị sĩ không được tán thành thì văn bản đó có hiệu lực; nếu kiến nghị của nghị sĩ được tán thành thì văn bản bị bác bỏ, và trong vòng 6 tháng sau đó không được ban hành bất kỳ văn bản nào cùng lĩnh vực.

Hoài Thu