Công bố Báo cáo "Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khi hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam"

- Thứ Tư, 16/09/2020, 13:43 - Chia sẻ
Ngày 16.9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Quỹ châu Á đã tổ chức hội thảo công bố Báo cáo "Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khi hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam".

Theo nhiều dự báo, Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất từ các hiện tượng biến đổi khí hậu. Báo cáo đã nhận được sự phản hồi từ 10.356 doanh nghiệp từ 63 tỉnh, thành phố, đây là cuộc điều tra doanh nghiệp quy mô lớn nhất về chủ đề này tại Việt Nam từ trước đến nay. Theo đó, Báo cáo cho thấy, biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực mang tính đa diện đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là tình trạng gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động, giảm doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực, và gây thiếu nguồn cung nguyên vật liệu. Các doanh nghiệp ở vùng Duyên hải miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long đang chịu tác động từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lớn hơn cả so với các vùng còn lại. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động cũng chịu tác động nhiều hơn các nhóm doanh nghiệp còn lại.

Báo cáo cũng cho thấy, các doanh nghiệp đánh giá tương đối tích cực về mức độ sẵn sàng của chính quyền trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Việc tiếp cận thông tin, số liệu về thời tiết tại địa phương tương đối thuận lợi. Chính quyền các địa phương nhìn chung được đánh giá tích cực trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai cũng như hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Đa số doanh nghiệp cũng nhận thức biến đổi khí hậu ngoài tạo ra những thách thức còn đem lại cơ hội cho việc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, tạo ra sản phẩm và công nghệ mới, đồng thời xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Báo cáo cũng tìm hiểu mức độ sẵn sàng đầu tư của doanh nghiệp để cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường. Theo đó, một doanh nghiệp điển hình sẵn sàng chi trả lên tới 7,32% chi phí hoạt động cho việc thân thiện hơn với môi trường.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, thông qua kết quả khảo sát, Báo cáo khuyến khích sử dụng thêm các công cụ tự nguyện về mặt xã hội như xếp hạng doanh nghiệp về mức độ bảo vệ môi trường sẽ có tiềm năng thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu. Báo cáo đồng thời đưa ra hàm ý chính sách cho các cơ quan Chính phủ trong việc xây dựng các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp gia tăng đầu tư để thân thiện hơn với môi trường. Trong đó, yếu tố chất lượng lao động tại địa phương, chất lượng môi trường kinh doanh, và mức độ tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có nhiều ảnh hưởng đến quyết định đầu tư sản xuất xanh của doanh nghiệp.

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã và đang tuân thủ nghiêm túc Công ước khung của Liên Hợp Quốc, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tích cực hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước về bảo vệ môi trường và ưu tiên nguồn lực cho việc triển khai các chương trình liên quan đến ứng phó tác động rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, tại hội thảo các đại biểu cho rằng, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để khuyến khích các hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; các cơ quan Chính phủ cũng cần nâng cao chất lượng thực thi các quy định pháp luật để những chính sách liên quan đến ứng phó rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống.

Đình Khoa