Công bố 10 Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 15:53 - Chia sẻ
Sáng 10.7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch Nước đã tổ chức họp báo, công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 10 luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Đào Việt Trung chủ trì họp báo.

10 Luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, gồm: Luật Thanh Niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. 

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Đào Việt Trung chủ trì họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước  

Tại họp báo, đại diện các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đã thông tin thêm về những điểm mới trong các Luật quan trọng này.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có nhiều điểm mới nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Cụ thể, Luật bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với ĐBQH. Theo đó, ngoài những tiêu chuẩn chung, ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Quy định này nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bầu cử ĐBQH. Ngoài ra, Luật lần này quy định tăng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách ít nhất 40% tổng số ĐBQH... 

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP nhằm bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác. Cùng với đó, việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách. 10 nội dung cơ bản của Luật PPP gồm: quy định về lĩnh vực đầu tư, trong đó đưa ra giới hạn lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên đầu tư PPP; quy mô đầu tư; phân loại dự án PPP… Điểm quan trọng khác là nội dung về chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu nhằm bảo đảm cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư áp dụng cho tất cả các dự án PPP, với tỷ lệ cố định 50 - 50 cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kỳ doanh thu hàng năm.

Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 10 Luật được Quốc hôi thông qua tại Kỳ họp thứ Chín  

Liên quan đến Luật Đầu tư 2020, phóng viên một số cơ quan thông tấn báo chí đặt câu hỏi: Luật Đầu tư năm 2020 bổ sung ngành nghề kinh doanh đòi nợ thuê vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh thì "số phận" của các doanh nghiệp đang hoạt động ngành nghề này sẽ như thế nào?

Trả lời câu hỏi của phóng viên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có thể tiếp tục hoạt động đến thời điểm Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành, ngày 1.1.2021. Kể từ sau thời điểm này thì mọi hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ phải chấm dứt. Trên thực tế, các doanh nghiệp hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ đòi nợ chỉ là một trong những lĩnh vực đầu tư kinh doanh mà những doanh nghiệp này hoạt động. Do đó, sau thời điểm Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có thể chuyển sang lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khác.

Trả lời câu hỏi về việc trong quá trình Quốc hội thảo luận về Luật Thanh niên, một số ĐBQH đề nghị thành lập Bộ Thanh niên nhằm đảm trách công tác quản lý nhà nước về thanh niên, thay vì giao cho Bộ Nội vụ như hiện nay, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, nhằm thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên thì Chính phủ giao Bộ Nội vụ. Trong quá trình đó, các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp nhằm bảo đảm quản lý nhà nước. Đại diện Bộ Nội vụ còn cho hay, hiện nay, Chính phủ thấy đề xuất thành lập Bộ Thanh niên hay Bộ Thanh niên - Thể thao chưa phù hợp, vì vậy, Chính phủ chưa triển khai nghiên cứu xây dựng Bộ Thanh niên như một số ý kiến ĐBQH đề nghị.

Thanh Chi