Pháp luật các nước về sử dụng rượu bia khi lái xe

Con số báo động

- Chủ Nhật, 09/06/2019, 08:29 - Chia sẻ
Từ năm 2010, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trung bình mỗi người trên thế giới từ độ tuổi 15 trở lên tiêu thụ khoảng 6,2 lít rượu nguyên chất mỗi năm và con số này giữ ổn định cho tới nay. Tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn là nguyên nhân của khoảng 3,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, chiếm tới gần 6% tổng số ca tử vong toàn cầu, trong đó phần lớn do lái xe khi say xỉn, gây ra những gánh nặng khôn lường đối với hệ thống y tế, an sinh, xã hội và cả kinh tế.

Theo WHO, rượu là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác trong đó có những bệnh trọng như ung thư, xơ gan, tổn thương thần kinh…, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Thậm chí, các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa tiêu thụ rượu với tỷ lệ mắc các căn bệnh truyền nhiễm như lao hay HIV/AIDS. Ngoài ra, theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% đến 12% GDP của mỗi quốc gia. Cụ thể, nước Mỹ mất tới 249 tỷ USD năm 2010 do lạm dụng rượu trong khi cái giá phải trả của Australia là 11,3 tỷ USD trong giai đoạn 2004 - 2005. Còn tại Thái Lan, gánh nặng kinh tế được ước tính trên 9,6 tỷ USD trong năm 2006…

Người ta nhận ra rằng, độ thịnh vượng của một quốc gia thường tỷ lệ thuận với khả năng tiêu thụ rượu. Thực tế đã chứng minh, những quốc gia thu nhập cao hay có lượng tiêu thụ rượu trên đầu người cao nhất và tỷ lệ người nghiện nặng nhiều nhất. Thống kê của WHO năm 2018 đã “điểm danh” các quốc gia “say sưa” nhất thế giới là Moldova (trung bình 17,4 lít rượu/người/năm), Belarus (17,1), Litva (16,2), Nga (14,5), Cộng hòa Séc (14,1), Romania, Australia (12,6), Bồ Đào Nha (12,5)…

Đặc biệt, một trong những tác hại lớn nhất mà việc lạm dụng đồ uống có cồn gây ra là tình trạng tai nạn giao thông. Theo thống kê của WHO, hơn 3,5 triệu người trên toàn cầu tử vong mỗi năm liên quan đến rượu bia, trong đó phần nhiều là do tài xế say xỉn lái xe. Tại Trung Quốc, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của khoảng 260.000 người mỗi năm, trong đó tai nạn do rượu bia chiếm 34,1% tại nước này.

Tiến sĩ James Nicholls, Giám đốc nghiên cứu và phát triển chính sách của Tổ chức Alcohol Concern (Anh) tiết lộ, việc tiêu thụ rượu tại châu Âu đang giảm dần nhưng nhìn chung, châu Âu vẫn là khu vực tiêu thụ bia rượu nhiều nhất thế giới.

Chuyên gia tại WHO Vladimir Poznyak chia sẻ, những tác động của rượu bia đến cuộc sống rất lớn, đáng sợ trong khi chính phủ nhiều nước hiện vẫn chưa quan tâm đúng mức tới việc hạn chế tiêu thụ rượu bia. Bên cạnh đó là sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng yếu kém...

Quỳnh Vũ