Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường:

Còn nhiều việc phải làm!

- Thứ Năm, 07/11/2019, 07:17 - Chia sẻ
Là Bộ trưởng đầu tiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp này, song đây là lần thứ hai Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đăng đàn trước Quốc hội và cử tri cả nước. Chưa kể Bộ trưởng đã rất nhiều lần tham gia giải trình, báo cáo trước Quốc hội tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, trả lời chất vấn tại phiên họp của UBTVQH cũng như trong các phiên chất vấn chung giữa nhiệm kỳ của QH.

Nắm chắc vấn đề, sâu sát thực tế

Có lẽ vì thế, nên trong gần 4 giờ đồng hồ trực tiếp trả lời các chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng cho thấy hình ảnh và phong thái của một “tư lệnh” ngành nắm rất chắc vấn đề, sâu sát với thực tế, đưa ra nhiều ví dụ, con số minh họa cho những nỗ lực, cố gắng của ngành, thẳng thắn thừa nhận mặt còn hạn chế, yếu kém, lý giải nguyên nhân chủ quan và khách quan của những mặt chưa được mà đại biểu chỉ ra.

Những câu hỏi, vấn đề đặt ra với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường không mới, trong đó có những câu hỏi cũ, thậm chí rất cũ, đã được đại biểu nêu, chất vấn qua nhiều kỳ họp, nhiều nhiệm kỳ QH. Đó là câu chuyện “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, và như hiện nay thì cây tiêu ở Tây Nguyên “mất cả mùa, mất cả giá” và cây cà phê đang mất giá kéo dài (giá tiêu hiện còn 40.000 đồng, giá cà phê còn khoảng trên 30.000 đồng). Đáng lưu ý, “việc giá cà phê giảm sâu như vậy đã kéo dài gần 10 năm nay” (nhận định của ĐBQH Ngô Thanh Danh - Đắk Nông). Đó là vấn đề giá lúa và một số nông sản còn bấp bênh; rồi việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo; làm thế nào để tăng lợi nhuận cho người trồng lúa nói chung và bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long; sản xuất nông nghiệp vẫn là nhỏ lẻ, manh mún...


Đều là những tồn tại cũ, chưa được giải quyết, nên những câu hỏi này không khó đoán. Như dự báo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (khi trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Quốc Hận - Cà Mau liên quan đến chuyện giải cứu nông sản) thì “chắc chắn lát nữa sẽ có đại biểu chất vấn về thanh long, dưa hấu…”.

Vấn đề cũ, lại chưa được giải quyết, nên câu hỏi mà đại biểu dành cho Bộ trưởng tựu chung là: Giải pháp căn cơ, lâu dài nào để khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại nêu trên?

Bên cạnh những tồn tại cũ, thì những vấn đề, đang là chủ đề thời sự cũng được nhiều đại biểu đặt ra với “tư lệnh” ngành nông nghiệp và Chính phủ. Trước tình trạng đánh bắt trái phép cảnh báo “thẻ vàng” từ Ủy ban châu Âu, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn về chính sách, giải pháp đột phá gì để cơ cấu lại phát triển bền vững ngành thủy sản? Đề cập đến dịch tả lợn châu Phi, với những diễn biến phức tạp, vừa lây lan trên diện rộng hầu hết các tỉnh, thành phố, vừa kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống và môi trường chăn nuôi, ĐBQH Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) hỏi về “giải pháp mạnh mẽ nào để sớm chấm dứt tình trạng này”?...

Điểm rất đáng ghi nhận ở đây là, dù tồn tại cũ, hay vấn đề mới phát sinh, thì Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đều đưa ra những trả lời rất trách nhiệm, cầu thị và ở góc độ nào đó cũng thuyết phục được người nghe. Đơn cử, để giảm dần câu chuyện được mùa mất giá, Bộ trưởng cho rằng, cần “tổ chức sản xuất chuỗi liên kết”. Thực tiễn những năm gần đây, cả nước đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp, và “về tổng thể phải khẳng định chúng ta đang đi theo chiều hướng tích cực”. Minh chứng cho nhận định này, Bộ trưởng tính toán: Tổng diện tích đất canh tác của Việt Nam chỉ có 10 triệu ha, trừ 14 triệu ha rừng, thì chúng ta đã tạo ra một sức sản xuất đến mức độ lương thực 45 triệu tấn, thịt 5,5 triệu tấn, cá 8 triệu tấn, cây công nghiệp “đều nhất thế giới về sản lượng”. Tuy nhiên, bất cập nhất hiện nay, theo Bộ trưởng, là khâu chế biến và tổ chức thương mại. “Tới đây, nếu không có chế biến vào thì không thể nào dập được chuyện hôm nay được, ngày mai lại mất...”, Bộ trưởng thẳng thắn.

Bất cập này tiếp tục được Bộ trưởng làm rõ hơn khi trả lời tranh luận của ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) xoay quanh câu chuyện khâu tổ chức sản xuất và vấn đề thị trường. Theo Bộ trưởng, thì giá trị nông sản là một chuỗi, và trong điều kiện tổ chức sản xuất hiện nay của Việt Nam, thì thị trường là khâu khó nhất, cuộc chiến tranh thương mại vừa qua là một ví dụ, “từng cân rau, cân quả phải đấu tranh với nhau để bán hàng”. Cùng với đó, “khâu chế biến của chúng ta đang rất kém, hầu hết là xuất thô”. Khẳng định, “nói như thế không có nghĩa là coi nhẹ khâu sản xuất”, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta có làm tốt mấy mà không chế biến, cứ đi bán thô như kiểu thanh long vừa rồi thì cũng không thể nào bán được, không thể nào hiệu quả được”.

Sản xuất của chúng ta đã quy chuẩn chưa?

2019 là một năm “thử thách đặc biệt” với ngành nông nghiệp. Tình hình thiên tai, dịch bệnh lịch sử, cộng với áp lực cạnh tranh lớn từ thị trường. Riêng dịch tả lợn châu Phi đã diễn ra trên phạm vi toàn quốc với tổng thiệt hại là 5,7 triệu con lợn, bằng khoảng 8,5% tổng sản lượng với 3,85 triệu tấn thịt lợn. Chưa có thống kê con số thiệt hại chính thức, song dịch tả lợn châu Phi (với diện lây lan là 28 quốc gia) đã tạo “một cuộc khủng hoảng thực phẩm từ trước đến nay chưa bao giờ có trên thế giới”... Vậy nên, những kết quả đạt được trong bối cảnh như thế là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn.

Và đúng là, có những việc dù muốn nhưng cũng không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Ví dụ vấn đề sản xuất manh mún, với hiện trạng 8,6 triệu hộ và 70 triệu miếng ruộng, thì “không thể nhanh được”. Hay, với câu chuyện gỡ “thẻ vàng”, như chia sẻ rất thật của Bộ trưởng là “giá trị xuất khẩu sang bên đó về hải sản chỉ vài trăm triệu USD, không có ý nghĩa nhiều về kinh tế, nhưng là danh dự của Việt Nam. Nếu chúng ta có thể rút được thẻ, thủy sản Việt Nam có thể đi các nước một cách hiên ngang. Tương tự như việc vừa qua cá tra của Việt Nam được công nhận. Việc này cũng hướng đến lợi ích lâu dài của con cháu, vì quyền lợi sát sườn của người ngư dân”.

Nhưng cũng không có nghĩa trả lời của Bộ trưởng đã làm hài lòng các ĐBQH. Qua trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nhận thấy, “Chính phủ đã làm được rất nhiều việc, Bộ trưởng đã nắm được công việc và đã rất sát sao từ công việc cụ thể cho đến tổng thể”. Tuy nhiên, trong nông nghiệp, theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình, quan trọng nhất là chuỗi giá trị sản phẩm, nó đi từ sản xuất, qua chế biến và đến thị trường. “Bộ trưởng cũng có nói vấn đề này, nhấn mạnh đến chế biến, nhưng thực sự sản xuất của chúng ta đã quy chuẩn chưa? Chúng ta hội nhập quốc tế thì cái chuẩn đó có đủ không?”...

“Chúng tôi coi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để lắng nghe, trên cơ sở đó rà soát lại toàn bộ những việc đã làm được, những việc còn bất cập để giai đoạn tới có biện pháp tổ chức thực hiện tốt hơn”. Mong rằng những chia sẻ này của Bộ trưởng trước khi bắt đầu Phiên chất vấn sẽ không dừng ở “lời”. Vì dù đã làm được rất nhiều việc, nhưng một thực tế không thể chối cãi, đó là, “khoảng 70% dân số nước ta sống bằng nghề nông, nhưng thu nhập chưa bằng 30% dân số còn lại”. Để nông nghiệp Việt Nam thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế thì còn nhiều việc phải làm. Một trong những việc đó là phải tập trung khắc phục cho được những tồn tại, vướng mắc cũ đã được chỉ ra nhiều năm nay với giải pháp căn cơ và tầm nhìn dài hạn hơn nữa. “Khởi thủy là lời”, nhưng điều quan trọng đi đôi với “lời” là hành động.

Anh Phương