Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2012 - 2018

Còn nhiều trăn trở...

- Thứ Tư, 11/09/2019, 08:17 - Chia sẻ
Giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt... là những vấn đề còn trăn trở của các Ủy viên UBTVQH khi tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2012 - 2018.

Kiên trì, bền bỉ, có tính kế thừa

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2012 - 2018 được các Ủy viên UBTVQH nhận định là rất bài bản, chi tiết, cụ thể. Kết quả giám sát cho thấy sự quan tâm đúng đắn, sát sao của các cấp, các ngành đối với vùng khó khăn. Quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước rất bền vững, kiên trì, có tính kế thừa trong nhiều khóa, như Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng nhận định là “thành quả có được ngày hôm nay cũng chính là thành quả của thời kỳ đổi mới, thực hiện Cương lĩnh phát triển đất nước. Trong đó, đầu tư cho dân tộc, miền núi là đầu tư cho phát triển”. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi được nâng lên rõ rệt; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất được cải thiện, giúp đồng bào vươn lên, không cam chịu đói nghèo. Đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm về mọi mặt từ văn hóa, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng được bảo đảm, giữ vững biên cương của tổ quốc.

Bên cạnh những thành quả đạt được, các Ủy viên UBTVQH cũng chỉ rõ, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao. Trong Báo cáo giám sát cũng đang thiên về đánh giá kinh tế mà chưa làm đậm nét tình hình văn hóa, xã hội, trong đó có tình trạng tái mù chữ. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, trong lĩnh vực giáo dục, Báo cáo cần nêu số liệu tỷ lệ học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo học phổ thông trung học là bao nhiêu, tỷ lệ học nghề là bao nhiêu, xuất khẩu lao động như thế nào?

Xét về nguồn lực, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thẳng thắn, việc phân bổ nguồn vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp so với kế hoạch đặt ra. Có chương trình, dự án chỉ đạt 8% nguồn vốn phân bổ. Nguyên nhân gì khiến vùng dân tộc thiểu số và miền núi được Đảng và Nhà nước ưu tiên đầu tư mà nguồn vốn bố trí lại thấp, giao vốn lại chậm như vậy? Theo Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, vẫn còn rất nhiều trăn trở và day dứt khi nói về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua thực tế giám sát cũng cho thấy, thu nhập của đồng bào thấp; không ít đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt… Như ý kiến một số Ủy viên UBTVQH là nhiều vấn đề chúng ta hứa mà chưa làm được.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Q. Khánh

Nói thật, làm thật

Trước thực tế trên, các Ủy viên UBTVQH thống nhất cần ban hành một Nghị quyết của UBTVQH về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018. Trong đó, dự kiến xác định những vấn đề như xây dựng Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi trình QH xem xét, quyết định phê duyệt. Đây sẽ là một chủ trương lớn của QH, thực hiện quy định của Hiến pháp: QH quyết định chính sách dân tộc. Sớm xây dựng Đề án “Bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi” phù hợp với thực tiễn hiện nay, kèm theo đó là các phụ lục chi tiết để báo cáo QH. Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có thống kê rõ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tái nghèo, nghèo đa chiều và nguyên nhân nghèo.

Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Chính phủ cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, tích hợp 118 chính sách hiện hành thành một chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trình QH xem xét; nêu rõ chính sách nào bãi bỏ, chính sách nào để lại và làm thật tốt các chính sách còn hiệu lực thi hành. Khi có chính sách, Chính phủ cần kịp thời bố trí nguồn lực thực hiện. “Chúng ta phải nói thật, làm thật, hướng dẫn, chỉ đạo tận tình cho đồng bào dân tộc thiểu số, xác định rõ các sản phẩm hàng hóa, tổ chức sản xuất hàng hóa có giá trị, liên kết thị trường xuất khẩu, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo giáo dục, y tế, nâng cao chất lượng lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số”, Phó Chủ tịch Thường trực QH nói.

Tới đây, các Ủy viên UBTVQH kỳ vọng, việc tập trung giữ rừng, bảo vệ rừng, xây dựng nông thôn mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chăm lo giải quyết vấn đề khó khăn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sẽ là vấn đề phải làm ngay. Chúng ta cũng phải phát huy tinh thần cán bộ, đảng viên trước đồng bào, phải làm sao để đồng bào biết, đồng bào hiểu, đồng bào tin và làm theo. Động viên, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến. Việc tăng cường vai trò của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của QH trong giám sát thực hiện chính sách dân tộc là cần thiết; Chính phủ tăng cường chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc hiệu quả, xử lý nghiêm minh sai phạm trong việc thực hiện chính sách, việc thiếu trách nhiệm hay bàng quan, bỏ mặc và lợi dụng chính sách.

Mong mỏi lớn nhất của các Ủy viên UBTVQH khi ban hành Nghị quyết của UBTVQH cũng chính là thúc đẩy, tạo ra những chuyển biến tích cực hơn nữa trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, để nơi “lõi nghèo” ấy không ai bị bỏ lại phía sau.

Anh Thảo