Còn nhiều câu hỏi về thuế sử dụng đất nông nghiệp

- Thứ Hai, 25/05/2020, 07:59 - Chia sẻ
Sáng nay, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Mặc dù chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được đánh giá là đem lại nhiều tác động tích cực, song, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho thấy còn nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách này.

Góp phần hỗ trợ trực tiếp cho nông dân

Để lý giải thuyết phục hơn cho đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm nữa, tại Tờ trình mới nhất của Chính phủ đã nêu rõ, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 nhiều trường hợp được Nhà nước giao đất và thuộc đối tượng phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp. Cụ thể là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối trên diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; người sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Ngoài ra, tổ chức kinh tế đã được Nhà nước giao đất nông nghiệp có thu tiền sử dụng đất trước ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối. Song, những đối tượng này chỉ được tiếp tục sử dụng đất đến hết thời hạn được giao đất có thu tiền sử dụng đất, sau đó phải chuyển sang thuê đất và khi đó sẽ không phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và quy định của pháp luật thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ có các trường hợp được Nhà nước giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất, chủ yếu là hộ nông dân (bao gồm cả trường hợp thuộc đối tượng thuê đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 nhưng chưa chuyển sang thuê đất), và trường hợp đang sử dụng đất được giao trong thời hạn đã nộp tiền sử dụng đất là phải nộp loại thuế này. Theo Nghị quyết số 28/2016/QH14, các đối tượng này sẽ được miễn thuế đến hết 2020, trừ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Tại Tờ trình, Chính phủ cũng thừa nhận có tình trạng đất nông nghiệp được giao cho hộ nông dân nhưng không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí đất trong thực tế. Song, theo Tờ trình này, pháp luật về đất đai chưa có khung pháp lý quy định thế nào là đất hoang hóa, nên không thể trả lời đất không sử dụng 1 vụ, 2 vụ, 3 vụ hay trong thời gian bao lâu được gọi là đất hoang hóa. Và, do chưa có quy định cụ thể để xác định khái niệm đất hoang hóa nên có ý kiến băn khoăn khi có trường hợp ngừng 1 vụ để cải tạo đất có bị coi là đất hoang hóa không?

 Việc đất để hoang hóa tuy chưa có quy định giúp xác định chính xác, song không có nghĩa không khắc phục được. Theo Tờ trình của Chính phủ, Điều 64, Luật Đất đai 2013 đã quy định việc xác định một số loại đất nông nghiệp không được sử dụng trong khoảng thời gian nhất định là những hành vi vi phạm pháp luật và phải thực hiện thu hồi đất như sau: Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục; đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.


Nguồn: ITN

Tuy Tờ trình và các báo cáo liên quan trong hồ sơ dự án Nghị quyết này chưa đưa ra số liệu cụ thể về diện tích đất để hoang hóa, phương thức xử lý cụ thể được các địa phương triển khai trong thời gian qua. Nhưng, Chính phủ cho rằng, việc để đất đai hoang hóa có nhiều nguyên nhân như thiên tai (hạn hán, thiếu nước), dịch bệnh, không có đầu ra, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, thiếu hụt nguồn lao động, các rào cản trong quy định của pháp luật về đất đai nhằm tích tụ, tập trung ruộng đất... Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được khẳng định không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng đất để hoang hóa như nhiều ý kiến trước đó.

Với những phân tích nêu trên, Chính phủ cho rằng, các đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như hiện hành là phù hợp. Và Chính phủ cũng khẳng định, sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ việc thu thuế đối với đất để hoang hóa khi nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung và khi nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến đất đai nói riêng.

Vì sao chưa sửa Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp?

Trong quá trình thẩm tra dự án Nghị quyết này, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, đây là nghị quyết quy định ngoài phạm vi của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, đã được thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2020. Do vậy, các ý kiến này đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp để bảo đảm thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Và tại Báo cáo thẩm tra mới nhất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về dự án Nghị quyết này vẫn tiếp tục đưa lại yêu cầu này.

Có thể thấy, nếu sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng có nghĩa sẽ áp dụng chính sách miễn, giảm thuế trong thời gian dài, ở chừng mực nhất định sẽ giúp các nhà đầu tư vào nông nghiệp yên tâm hơn khi có chính sách thuế sử dụng đất ổn định. Nhưng việc miễn thuế trong thời gian dài sẽ khó có thể điều chỉnh chính sách trong những trường hợp cần thiết, trong khi thuế vốn là công cụ để thực hiện điều tiết thị trường của Nhà nước.

Trên thực tế, tại Báo cáo đánh giá tác động của dự án Nghị quyết này, Chính phủ cũng đưa ra phương án kéo dài thời gian miễn thuế đến hết 31.12.2030, tức là kéo dài đến 10 năm từ ngày hết thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55/2010/NQ12 và Nghị quyết số 28/2016/NQ14. Song, bên cạnh một số tác động tích cực từ việc kéo dài thời gian miễn thuế, Chính phủ cũng chỉ rõ, việc kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ tăng áp lực lên ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, tại Báo cáo này cũng nêu rõ, nếu thu hẹp đối tượng miễn thuế, chỉ áp dụng miễn, giảm thuế cho các đối tượng quy định tại Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ không khuyến khích được nhiều đối tượng tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp do đối tượng được hưởng ưu đãi bị thu hẹp. Đồng thời, dễ gặp phải phản ứng từ doanh nghiệp và người dân do tăng nghĩa vụ tài chính phải nộp đối với Nhà nước (do phải chuyển từ đối tượng được miễn thuế sang nộp thuế).

Việc ban hành một nghị quyết ngoài Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian dài là cách làm sẽ gây nhiều băn khoăn, thậm chí có thể khiến nhà đầu tư chưa yên tâm bỏ vốn vào lĩnh vực này. Trong Báo cáo tổng kết của Chính phủ cũng không có số liệu về diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích bị thu hồi, tức là chưa có lý giải thuyết phục về nguyên nhân gây ra tình trạng đất để hoang hóa hiện nay. Những vấn đề đặt ra trong thực tế triển khai miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và các câu hỏi được Ủy ban Tài chính - Ngân sách đưa ra sẽ được phân tích kỹ càng, có trả lời thuyết phục hơn khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Nghị quyết của Quốc hội trong hôm nay.

Lê Bình