Bạn đọc viết

Còn nhiều cách hiểu khác nhau

- Thứ Bảy, 22/06/2019, 07:32 - Chia sẻ
Chế định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đã khắc phục được rất nhiều vấn đề trong thực tiễn. Tuy nhiên, sau gần 2 năm Bộ luật Hình sự có hiệu lực pháp luật, chưa có pháp nhân phạm tội hình sự nào bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Một trong lý do được đề cập đến nhiều nhất chính là do còn nhiều cách hiểu khác nhau, nên các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa “mạnh tay” với tội phạm dạng này.

Việc bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại vào Bộ luật Hình sự xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại trong thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, môi trường. Đồng thời, bảo đảm tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, trong đó có đặt ra yêu cầu về xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân như Công ước phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; 40 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Để bảo đảm thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại bị kết án phù hợp với quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng bổ sung một chương mới (Chương XXIX) với 16 điều quy định một số vấn đề có tính đặc thù liên quan đến thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Ngoài ra, Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được QH thông qua ngày 14.6.2019 xác định rõ thẩm quyền thi hành án hình sự đối với pháp nhân, trong đó quy định cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung và các biện pháp tư pháp liên quan đến tiền, tài sản quy định tại Điều 47 và Điều 48 của Bộ luật Hình sự sẽ thực hiện theo pháp luật thi hành án dân sự...

Tuy nhiên, đây là nội dung hoàn toàn mới trong chính sách hình sự nên rất cần có các lớp tập huấn áp dụng pháp luật các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đặc biệt là những quy định về thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại; các quy định mới của Luật Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại bị kết án; vai trò của người bào chữa trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại phạm tội. Bên cạnh việc mở các lớp tập huấn thì các bộ, ngành liên quan (Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an) cần xây dựng các tài liệu kinh nghiệm của các nước trong việc áp dụng chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, để đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật nhận thức đúng, đầy đủ và áp dụng có hiệu quả, thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự trong xử lý pháp nhân thương mại phạm tội. Thực tiễn qua một số lớp tập huấn cho thấy, việc cắt nghĩa, khu biệt giữa hành vi của cá nhân và pháp nhân không hề đơn giản và các pháp nhân có thể lợi dụng kẽ hở để từ chỗ cá nhân phải chịu hình sự lại chuyển sang pháp nhân chịu hình sự. Chính vì thế còn có nhiều cách hiểu khác nhau về chế định này, và khi tồn tại cách hiểu khác nhau thì sẽ dẫn đến cách áp dụng khác nhau.

Đình Khoa